Nét độc đáo nhất trong kiến trúc đình thể hiện ở phần chính điện, gồm 2 tòa nhà kiểu tứ trụ, mái giáp nhau theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”. Phía trước có 3 hương án gỗ hình vuông được chạm khắc tinh xảo. Đến nay, đình hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng xưa.
Hàng năm, lễ giỗ thần hoàng được tổ chức trang trọng vào ngày 14 và 15/8 (âm lịch), thu hút nhiều du khách thập phương và người dân. Vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, ban trị sự và người dân khu vực thường xuyên đến thắp hương, cúng bái.
Năm 1998, đình Thông Tây Hội được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Nhiều năm nay, các kết cấu, kiến trúc của ngôi đình đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ bị đổ sập rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng Ban trị sự đình Thông Tây Hội cho biết, do đình quá thấp so với mặt đường, thường xuyên bị ngập nên năm 1998, ban trị sự đã vận động kinh phí xã hội hoá nâng sân và sửa chữa. Vì không có nhiều tiền nên phần nhà hội sở vẫn chưa được nâng, do đó vẫn nằm thấp hơn sân đến nửa mét. Mỗi khi mưa nền nhà lại lênh láng nước.
Bên trong nhà hội sở, rất nhiều cột đình bị mục nát, nứt toác bởi nắng mưa và thời gian.
Một số cột bị mối mọt đục ruỗng, khả năng chống đỡ toàn thân của ngôi đình yếu dần.
Các thanh đà, kèo bị mối mục đang phải oằn mình đỡ phần mái.
"Đã bị hư hại nghiêm trọng, lại nằm bên đường, mỗi khi xe lớn chạy qua, các kết cấu rung lắc, ngói đùn xuống. Những khi mưa gió chúng tôi không dám vào thắp hương bởi nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào", ông Tý lo ngại.
Phần mái xung quanh đình những thanh song bật đinh, mục nát, nhiều lớp ngói âm dương vỡ, nứt và rơi rụng dần.
Từ trong nhà hội sở nhìn lên, mái nhà có nhiều nơi bị lộ thiên không còn khả năng che mưa, nắng.
Do tình trạng ngập nước, mưa dột, mục nát như vậy nên hiện khu nhà này được bỏ trống, toàn bộ hiện vật thờ cúng phải di dời để tránh hư hỏng và mất cắp.
Những tấm cửa bị hư hỏng sắp thành đống dưới nền phần sau nhà hội sở trông rất hoang tàn.
Những tấm cửa bị hư hỏng sắp thành đống dưới nền phần sau nhà hội sở trông rất hoang tàn.
Trưởng ban trị sự đình cho biết thêm, mỗi năm kinh phí nhà nước cấp tiền từ, nhang đèn, quét dọn, điện nước… khoảng 27 triệu đồng mà chỉ như muối bỏ biển. Người dân vào cúng bái rất sợ đình có thể đổ sập. Hàng năm ban đều xin tiền ủng hộ để thuê người sửa mấy lần, nhưng cũng chỉ chắp vá tạm thời.
Một thanh gỗ lớn từ miếu bên cạnh dùng để liên kết, chống nghiêng cho đình.
Trưởng ban trị sự cho hay, từ ngày được xếp hạng, mọi việc duy tu, sửa chữa ban đều phải xin phép Sở VH-TT và Bộ VH-TT-DL. Hồ sơ nộp vài lần nhưng nhiều năm mới được duyệt. Vấn đề lớn nhất là kinh phí đầu tư sửa chữa lên đến hàng tỷ đồng, phải chờ cơ quan chủ quản rót xuống và chưa biết đến bao giờ mới có thể sửa chữa. Huy động tiền ủng hộ từ dân rất khó. "30 năm trông coi ngôi đình quý giá này, chứng kiến nó đang sập sệ dần hàng ngày chúng tôi xót xa lắm”, ông Tý bộc bạch.