Ngày 9/12, HĐND thành phố sẽ dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; Việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh sẽ có báo cáo, trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND thành phố.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, thời gian qua Hà Nội đã nỗ lực trong tiêm phủ vắc xin, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đã có không ít quyết định vội vàng được đưa ra khiến cho các doanh nghiệp vất vả. Như đợt cấp giấy đi đường tháng 9 vừa qua khiến cho các doanh nghiệp “xoay như chong chóng”, hàng hóa bị ách tắc, gia tăng chi phí, giới đầu cơ thì lợi dụng đẩy giá lên chót vót. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản chấn chỉnh việc cấp giấy đi đường của Hà Nội.
Theo vị chuyên gia này, Hà Nội có quan hệ thương mại rộng với các tỉnh, thành phố trên cả nước do đó, cần phải có tính toán, cân nhắc khi đưa ra quyết định. “Người xưa có câu “7 lần đo, 1 lần cắt”, lãnh đạo thành phố cần làm rõ kế hoạch phòng chống dịch, lấy ý kiến người dân như thế nào, để tạo đồng thuận thời gian tới”, ông Phú nói.
Ngoài công tác chống dịch, các cử tri, chuyên gia đặc biệt quan tâm đến việc thu hồi các dự án chậm triển khai và di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô. Hoạt động đã được thanh tra, giám sát, chất vấn nhiều lần tại HĐND nhưng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Ông Trương Tuấn Kiệt, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai cho rằng, tình trạng đất dự án bị bỏ hoang có trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban, ngành. Ông Kiệt đề nghị: “Thành phố cần mạnh tay với những chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Những dự án chậm tiến độ cần nâng giá tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thật cao; phạt nặng những chủ đầu tư cố tình câu giờ”.
Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội đô là nhiệm vụ cấp thiết nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội. Nhưng đến nay nhiều cơ sở vẫn “chây ì”.
“Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, có khung pháp lý rõ ràng về bố trí đất hỗ trợ di dời vì thực tế để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn”, ông Trần Ngọc Chính nói.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định: “Việc di dời cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi khu vực nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha để xây dựng công trình công cộng, không gian xanh đang rất thiếu, đồng thời kéo theo khoảng 100.000 người di chuyển ra khỏi khu vực này”. Do đó, Hà Nội cần quyết liệt và đưa ra được cơ chế đặc thù sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời.