Nhiều khó khăn, thách thức
Sáng 7/12, phát biểu tại Kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố bước đầu phòng, chống dịch hiệu quả.
Theo đó, thành phố đã chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của T.Ư và phù hợp với diễn biễn tình hình dịch bệnh của thành phố. Thành phố luôn chuẩn bị phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để không bị động, bất ngờ khi có tình huống xấu xảy ra.
Đến nay, thành phố đã thực hiện tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho trên 94%, mũi 2 cho khoảng 85% người dân từ 18 tuổi trở lên; và hiện nay thành phố đang tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi(đến nay đạt trên 85%), từng bước cho các em học sinh học sinh trở lại trường học.
Theo ông Dũng, năm 2022, dự báo tình hình sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh COVID-19 còn có thể kéo dài với những biến chủng mới nguy hiểm hơn. Quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021 là rào cản thực sự đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước cũng như của Thủ đô Hà Nội.
"Mục tiêu tổng quát cơ bản của thành phố Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu", ông Dũng nói.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố khẩn trương tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai các công việc với tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, như: đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tổng kết thực hiện nghị quyết số 11 của Bộ chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; rà soát, sửa đổi Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…tạo điều kiện thuận lợi cho Thủ đô ngày càng phát triển.
Cắt vốn dự án không giải ngân
Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND thành phố phát huy cao độ tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khác trong năm 2021; từ đó chỉ ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Trên cơ sở đó, quyết nghị cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân sách, đầu tư công trong năm 2022.
Về nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Dũng cho biết, đây là một trong các nội dung hết sức quan trọng cần được xem xét, thảo luận tại kỳ họp. Với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các đại biểu cần phân tích, đưa ra về biện pháp phòng, chống dịch bệnh để các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới; tiếp tục tiêm vắc xin, nhất là cho các đối tượng học sinh theo khuyến cáo của ngành y tế; tập trung nguồn lực cho y tế và khám chữa bệnh cho nhân dân; các kịch bản phòng chống dịch để cho học sinh đến trường; quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.
"Cùng với cả nước, thành phố sẽ chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch bệnh, từ mục tiêu “zero COVID-19” sang chủ động “sống chung” với dịch bệnh, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”", ông Dũng nêu.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
"Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, tài nguyên, môi trường, tài chính, quản lý đô thị, quản lý y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng.
Do vậy, phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố một cách thực chất để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển", ông Dũng nêu.
Theo ông Dũng, HĐND thành phố cần sớm hoàn thiện Đề án: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Trong đó, cần tập trung lựa chọn các vấn đề nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình, nhằm cùng với UBND thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình thực hiện và đề xuất các cơ chế, chính sách theo quy định của Luật, phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố, tạo động lực cho sự phát triển chung của thành phố và nâng cao đời sống nhân dân. Thường trực HĐND thành phố cần tiếp tục phát huy hơn nữa sự linh hoạt, chủ động, sát sao trong tổ chức thực hiện các công việc chung của thành phố.