> Người dân Trung Quốc đổ xô mua muối chống nhiễm xạ
> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản
Nếu trời mưa vào ngày mai hoặc những ngày sau này, không nên đi ra ngoài. Nếu bạn đang ở bên ngoài, hãy chắc chắn rằng bạn đã được bảo vệ khỏi mưa. Đó là mưa axit. Đừng để nó chạm vào bạn. Bạn có thể bị cháy da, rụng tóc hoặc ung thư”. Lúc đầu, chỉ nghĩ “lại là một loại tin đồn nhảm nữa”, nhưng khi thấy tin tức về những đồn đại tương tự lan khắp châu Á với tốc độ chóng mặt, mới thấy giật mình.
Trong thế giới của công nghệ số, của internet và điện thoại thông minh, tin tức (và cả những thứ ngụy tin tức) lan truyền với tốc độ của ánh sáng. Có lần, tôi được cấp trên giao tuyển nhân sự cho một số vị trí ở cơ quan.
Nghĩ ngay đến internet và các công dân mạng, tôi bèn soạn một đoạn thư tuyển dụng và gửi cho 5-6 người bạn trên Yahoo Chat. Chỉ 3 giờ sau, tôi được ít ra là 15 người khác gửi cho mẫu tuyển dụng do chính mình soạn ra, theo kiểu “forward all, send all messenger’list” (chuyển tiếp, gửi tới tất cả trong danh sách).
Có lẽ đây cũng là lý do thời gian gần đây hay xuất hiện những tin đồn. Nào là bắt cóc mổ bụng trẻ em ở ngoại thành Hà Nội, ăn cá kèo bị ung thư, hay tin đồn phát hiện cả một hang vàng ở Bắc Kạn… Cư dân mạng cứ hết “rộ tin đồn về abc” rồi lại “đổ xô đi xyz” như một kiểu phong trào.
Trong thế giới hỗn mang của thông tin như hiện nay, việc tạo ra tin đồn có thể nói là quá đơn giản. Cách đây mấy tháng, tôi cũng nhận được tin nhắn của một người bạn trên mạng, forward lời “tố cáo” của ai đó rằng một quán chè ở khu phố cổ Hà Nội làm đồ ăn uống mất vệ sinh, có cả chuột chết trong thùng nấu và kêu gọi mọi người tẩy chay… Tuy chẳng có bằng chứng hay có ai xác nhận việc này thì tin nhắn ấy vẫn được lưu truyền khắp nơi.
Tuy nhiên, những tin đồn thất thiệt sẽ khó mà bay xa để rồi gây rắc rối nếu không có những người sẵn sàng phát tán nó một cách vô thức. Người ta vô tư “đẩy” đi những thông tin kiểu “trường hợp ung thư máu cần được cứu giúp” hay “cha mẹ cần tìm thiếu nữ bỏ nhà đi bụi”mà chẳng cần biết thông tin có chuẩn xác không, hành vi của mình có làm phiền hoặc gây hại đến ai không.
Thậm chí, nhận được những lời “sấm truyền” không rõ từ đâu ra về sự tận diệt của loài người, mặc dù nội dung hết sức nhảm nhí, nhưng câu cuối cùng của “bài sấm truyền” đã khiến không ít người làm theo dù lòng vẫn bán tín bán nghi: “Nếu bạn không gửi đủ 100 bản tới 100 người khác nhau, ngày mai gia đình bạn sẽ gặp chuyện chẳng lành”! (?)
Nếu mỗi người, khi nhận những thông tin không rõ nguồn gốc, vô căn cứ liền nhấn nút “delete” thay vì vô tư phát tán thì đã chẳng có chuyện. Nhưng trong thế giới thông tin, môi trường internet bao la mà không ít người quan niệm “nắm được thông tin là chiến thắng”, chúng ta phải ứng xử ra sao?
Ông David Brewer, một giảng viên báo chí người Anh, trong lần trao đổi gần đây với các sinh viên Việt Nam về môi trường internet đã nói: “Xã hội loài người đã chuyển từ giai đoạn thiếu thông tin sang giai đoạn nhiễu thông tin. Vì vậy, hãy là người đọc thông minh, biết tin vào những nguồn đáng tin cậy và luôn luôn kiểm chứng”.