Nhạc sĩ Micky Dolenz, thành viên duy nhất còn sống của ban nhạc rock-pop The Monkees, đang kiện cơ quan thực thi pháp luật về việc truy cập các hồ sơ về họ mà FBI lập ra.
Các thành viên Monkees đã bị FBI điều tra với cáo buộc hoạt động chống chiến tranh Việt Nam vào năm 1967 liên quan một buổi hòa nhạc trong đó họ chiếu hình ảnh và thông điệp phản đối cuộc chiến, theo đơn kiện của ông Dolenz.
Monkees là một trong những ban nhạc rock-pop có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Ảnh: Getty Images. |
Nhiều “ngôi sao” khác cũng bị FBI lập hồ sơ vì liên quan đến vấn đề chính trị, bao gồm cố ca sĩ John Denver. Ông Denver xuất hiện tại một cuộc biểu tình phản chiến năm 1971. Ông cũng từng sử dụng ma túy (theo nội dung cuốn tự truyện năm 1994 “Take Me Home: An Autobiography”.
Ca sĩ-nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng John Denver. Ảnh: HistoryColorado. |
Nhà hoạt động khiếm thị, khiếm thính nổi tiếng Helen Keller cũng có tên trong danh sách theo dõi của FBI. Bà Keller là người theo chủ nghĩa xã hội, vốn bị coi là nguy hiểm vào đầu thế kỷ 20.
Tương tự với huyền thoại bóng chày Jackie Robinson. Hồ sơ về ông Robinson chứa thông tin về hoạt động dân quyền của ông và nghi ngờ rằng ông có thể có quan hệ với một tổ chức cộng sản.
Huyền thoại âm nhạc John Lennon và vợ Yoko Ono cũng là đối tượng trong hồ sơ của FBI vì ban nhạc The Beatles được Chính phủ Mỹ biết đến với lập trường phản chiến.
Ca sĩ-nhạc sĩ lừng danh John Lennon của ban nhạc rock The Beatles (Anh) từng xuất hiện trong hồ sơ theo dõi của FBI. Ảnh: Quotesgram. |
Minh tinh Marilyn Monroe cũng bị FBI lập hồ sơ, một phần là do một trong những người chồng của cô. FBI nghi ngờ nhà viết kịch kiêm nhà biên kịch Arthur Miller, chồng của Monroe (từ năm 1956 đến năm 1961), là một người cộng sản.
Marilyn Monroe giữ váy trong quá trình quay phim "The Seven Year Itch". Ảnh: Getty Images. |
FBI cũng từng theo dõi các rapper Christopher "Biggie Smalls" Wallace (còn được gọi là "The Nototrious B.I.G"), Tupac Shakur và Russell Tyrone Jones (còn gọi là "Ol 'Dirty Bastard"), thành viên ban nhạc hiphop Wu Tang Clan. Các rapper này đã qua đời.
Người sáng lập Apple, ông Steve Jobs, cũng xuất hiện trong hồ sơ theo dõi của FBI khi ông được xem xét để có thể được bổ nhiệm vào Hội đồng Xuất khẩu của Tổng thống Mỹ vào năm 1991.
Steve Jobs (cha đẻ của Apple) hồi trẻ. Ảnh: Getty Images. |
Lập hồ sơ để theo dõi người khác
Ngoài ra, FBI tập hợp các hồ sơ về một số người nổi tiếng không phải vì hoạt động của họ mà là vì hành động của những người khác.
Hồ sơ về nữ ca sĩ quá cố Whitney Houston bao gồm thông tin về một âm mưu tống tiền bị cáo buộc nhằm vào cô và một số sự chú ý từ người hâm mộ, bao gồm nhiều lá thư và băng cát-xét gửi cho cô.
Ca sĩ Mỹ Whitney Houston được Kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận là nhân vật văn hoá nữ đoạt nhiều giải thưởng nhất mọi thời đại. Ảnh: Time. |
Cố Công nương Diana có hai hồ sơ FBI ngắn gọn, một hồ sơ liên quan đến những lời đe dọa chống lại bà và Thái tử Charles khi họ kết hôn và một hồ sơ khác về các vấn đề an ninh liên quan đến chuyến đi Mỹ năm 1989 của bà.
Công nương Diana năm 1983. Ảnh: Getty Images. |
Có một tuyên bố từ chối trách nhiệm trong Thư viện Đạo luật Tự do Thông tin của FBI, nơi chứa một số tệp tin liên quan đến các nhân vật văn hóa đại chúng. Theo tuyên bố từ chối trách nhiệm, "thông tin tìm thấy trong các tệp tin này đến nay có thể không còn phản ánh niềm tin, quan điểm, ý kiến hoặc chính sách hiện tại của FBI”.