Nhiều người dân Bình Thuận khắc khoải chờ nước sinh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bình Thuận đang phải đối mặt với hạn hán diện rộng, hiện 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 75.918 người.

Mới đây, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực địa các điểm hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và hiện trạng các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Nhiều người dân Bình Thuận khắc khoải chờ nước sinh hoạt ảnh 1

Đoàn kiểm tra hạn hán tại hồ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam cho thấy, lượng nước hữu ích các hồ chứa trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn lại khoảng 11,1 triệu m3 đạt 24,3% dung tích thiết thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 6,2 triệu m3.

Toàn huyện có 8 hồ chứa và 13 đập dâng lớn nhỏ; tuy nhiên hiện chỉ còn hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập còn tưới 1 phiên cuối cho cây trồng và dự kiến kết thúc phiên cuối vào ngày 4/5/2024. Các công trình còn lại đã hết nước hoặc đã nhưng cấp nước tưới để dành cho nước sinh hoạt. Theo dự báo trong thời gian tới, nắng nóng sẽ kéo dài và khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới có mưa, do đó tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt sẽ rất gay gắt.

Hàm Thuận Nam hiện là huyện khô hạn nhất cả tỉnh Bình Thuận, nguồn nước đang thiếu hụt trầm trọng; nước thủy lợi hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% diện tích cây trồng hiện có của địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nước là do tại các xã khu vực nông thôn chưa được đầu tư công trình cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa. Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông, suối để hoạt động sản xuất nước sạch.

Nhiều người dân Bình Thuận khắc khoải chờ nước sinh hoạt ảnh 2

Nhiều nơi ở Bình Thuận đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên.

Đây là nguyên nhân chính gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực nông thôn thời gian qua.

Tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan đã họp bàn đề ra nhiều giải pháp chống hạn, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, hiện do nguồn ngân sách có hạn, nên việc sửa chữa và xây dựng hồ thủy lợi chứa nước chống hạn phải thực hiện lâu dài và theo từng giai đoạn cụ thể", Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Tiến độ thi công xây dựng Nhà máy nước Thuận Bắc công suất 10.000 m3/ngày đêm (đầu tư từ nguồn vốn ODA, Ý) đến nay chưa hoàn thành nên không bổ sung được nguồn nước và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước đến các xã, thị trấn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Do vậy phải thực hiện giải pháp cấp nước luân phiên tại Nhà máy nước Trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc, gây thiếu nước cục bộ.

Để khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để tổ chức vận hành, phân phối nước từng công trình bảo đảm tiết kiệm, hợp lý; trong đó, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân đến 30/6.

Đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng nước sạch thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, người dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tận dụng nguồn nước tại chỗ phục vụ cho mục đích khác.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.