Nhiều nghịch lý trong thực hiện chính sách lâm nghiệp

Nhiều nghịch lý trong thực hiện chính sách lâm nghiệp
TP - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu, nhà chuyên môn, đại diện ngành chức năng, chính quyền địa phương mổ xẻ, bàn giải pháp khắc phục tại hội thảo “Làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa chính sách lâm nghiệp và thực tiễn”, do Câu lạc bộ Lâm nghiệp tỉnh TT-Huế phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức ngày 23/11, tại TP Huế.

> Lãnh đạo huyện chưa có câu trả lời thỏa đáng
> Ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ

Theo ông Võ Văn Dự, Phó trưởng ban Dân tộc miền núi TT-Huế, mâu thuẫn đang tồn tại khi tài nguyên rừng rất rộng lớn, nhưng nông dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cứ nghèo.

Ông Dự lấy ví dụ, hai huyện Nam Đông và A Lưới chiếm 50% số diện tích đất rừng cả tỉnh TT-Huế, nhưng đời sống người dân địa bàn này lại khó khăn nhất. Nguyên nhân cơ bản là do nông dân, người làm rừng không đủ đất sản xuất để thoát nghèo.

Còn theo ông Hoàng Phụng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TT-Huế, người dân hoặc cộng đồng dân cư được giao khoán rừng, nhưng do trữ lượng sinh khối kém, rừng nghèo kiệt, nên bà con không thu được nguồn lợi gì để cải thiện đói nghèo, dẫn đến phá rừng tự nhiên để trồng rừng.

“Dân trong vùng sản xuất lâm nghiệp nhưng không có tấc đất nào, trong khi rừng lại tập trung về tay các đại gia và người có chức, có tiền. Thậm chí, có những cá nhân hiện thâu tóm từ 500 đến 700 ha rừng, nhưng dân lại suốt đời đi làm thuê”, ông Phụng nói.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới- cho biết, trên địa bàn đang có hơn 27.500 ha rừng tự nhiên được giao về cho dân, nhưng lại có đến trên 16.600 ha là rừng nghèo kiệt, nên “một số nhóm hộ, hộ gia đình đang có ý định trả lại rừng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG