Ồ ạt nhập lò đốt rác cỡ nhỏ (Kỳ cuối):

Nhiều lò đốt không đảm bảo môi trường

TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, việc dùng nhựa để mồi lửa của lò đốt rác thải xã Tam Hồng. (Trong ảnh: tiềm ẩn nguy cơ phát thải dioxin ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Hoài)
TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, việc dùng nhựa để mồi lửa của lò đốt rác thải xã Tam Hồng. (Trong ảnh: tiềm ẩn nguy cơ phát thải dioxin ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Hoài)
TP - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có đợt khảo sát các lò đốt rác thải cỡ nhỏ ở nhiều tỉnh. Dù Việt Nam chưa có quy chuẩn về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên nếu áp theo dự thảo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ TN&MT đang xây dựng thì nhiều lò đốt được khảo sát không đảm bảo môi trường.

Đốt hầu hết, trừ chất cứng

Theo quan sát, lò đốt rác thải bằng không khí tự nhiên NF105 của xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc - nơi đầu tiên được đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc có kích thước khá nhỏ (1,45x2,65x2 mét, nặng 8,5 tấn, có thể di chuyển dễ dàng). Lò hoạt động từ 8h sáng đến 2h chiều với quy trình vận hành khá đơn giản. Trước khi vận hành, các loại rác thải cứng như thủy tinh, sành sứ, gạch, đá kim loại được phân ra. Giấy khô, củi, bìa các tông hoặc đồ nhựa được đem ra để mồi lò đốt. Sau đó rác được đưa vào cửa trên của lò để đốt. Tro sau khi đốt được đem tập kết và chôn gần nơi lò đốt.

Theo TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, nguy cơ phát thải dioxin từ lò đốt là do đốt các chất nhựa mà thành phần có clo. Vì vậy, việc chỉ loại bỏ các chất thải cứng là chưa phân loại đúng rác thải trước khi đốt. Việc sử dụng nhựa để mồi lò là rất nguy hiểm, vì chỉ có thể sử dụng nhựa PE (loại nhựa mỏng làm túi nilon đi chợ, hoặc loại áo mưa mỏng, thông thường còn gọi là áo mưa giấy); còn nếu đốt các loại nhựa có thành phần chứa clo là nguy cơ phát sinh dioxin cao, nhất là nhựa PVC. Trong quy trình vận hành không thấy nhắc đến giám sát hệ thống xử lý khí cũng như không nhắc đến giám sát nhiệt độ ở buồng lò trên. Như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường.

Theo ông Nguyễn Thành Yên, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, qua đợt khảo sát thấy nhiều lò đốt chưa đảm bảo môi trường nếu áp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30 :2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ TN&MT đang xây dựng. Ví dụ như không có hệ thống xử lý khí thải và nhiệt độ đốt còn thấp do không sử dụng nhiên liệu, thậm chí một số lò chỉ đốt một cấp. Không rõ việc đo kiểm, đánh giá phát thải của các lò đốt này trước đây như thế nào, thậm chí một số lò vẫn có kết quả quan trắc là đạt nhưng vừa qua cục đi lấy mẫu, nhiều lò đốt không có cửa lấy mẫu hoặc điểm lấy mẫu không phù hợp để thao tác. “Khi chúng tôi yêu cầu lấy mẫu thì họ mất khá nhiều thời gian để đục cửa hoặc chuẩn bị sàn thao tác phù hợp. Một số nơi không cung cấp được kết quả quan trắc, hồ sơ thiết kế, hoàn công”, ông Yên cho biết.

Cũng theo ông Yên, nguồn gốc công nghệ lò đốt chất thải sinh hoạt đang được sử dụng tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng, ngoài các lò sản xuất trong nước, có nhiều lò được báo cáo có xuất xứ từ nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan. Tuy nhiên, thực tế khó để xác định nguồn gốc xuất xứ. Một số đơn vị cung cấp lò nắm được tâm lý của khách hàng là thích công nghệ nước ngoài nên cung cấp thông tin sai lệch về xuất xứ hoặc làm đẹp hồ sơ bằng cách thuê văn phòng và đăng ký kinh doanh tại một nước có tiếng trong khi sản xuất ở một nơi khác.

Cộng đồng địa phương cùng giám sát

Lý giải về nguyên nhân nhiều địa phương ồ ạt đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ, TS Trần Thế Loãn cho rằng do nhu cầu bức thiết xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn. Diện tích chôn lấp ngày càng bị thu hẹp, tìm kiếm nơi chôn lấp rác thải ở nhiều nơi khó khăn. Đầu tư một bãi để chôn lấp rác rất tốn kém. Trong khi đó, phương pháp đốt có một số ưu điểm như đốt xong thì hết rác, không tốn diện tích, gần đây lại có công nghệ lò đốt không dùng nhiên liệu nên lợi thế về chi phí.

Ông Nguyễn Chí Thiết, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Lạc, nơi được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư 8 lò đốt rác thải cho biết, trước đây mỗi thôn có một khu chôn lấp rác thải, tốn diện tích đất, lại lo ô nhiễm nước ngầm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Yên, về mặt công nghệ, hiện nay đã có nhiều lựa chọn tiên tiến cho xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế. Ví dụ như đồng xử lý trong lò nung xi măng rất hiệu quả do lò xi măng sẵn có nhiều ở Việt Nam nên không mất tiền đầu tư, mà lò xi măng hiện đại có nhiệt độ cao, công suất lớn, có hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu bảo vệ môi trường tiên tiến, không phát sinh tro xỉ. Một số nước đang đi theo hướng công nghệ chuyển hóa chất thải thành nhiên liệu như than, dầu, khí đốt hoặc ninh áp suất cao để chuyển hóa chất thải thành các vật chất hữu cơ đồng nhất làm phân bón mà không cần phân loại. Tuy nhiên các công nghệ mới thì suất đầu tư thường cao hơn và cũng cần có sự thử nghiệm nghiêm túc trước khi nhân rộng.

Theo TS Trần Thế Loãn, việc áp dụng một giải pháp khả thi thay cho công nghệ lò đốt cần nhiều thời gian. Trước mắt, với các lò đốt rác thải sinh hoạt đã đầu tư, phải nâng cao công tác quản lý như tăng cường giám sát vận hành đúng quy trình, tiến hành phân loại rác triệt để, cải thiện công nghệ. “Việc thực hiện giám sát phải do cộng đồng địa phương thực hiện thay vì chỉ cơ quan Nhà nước như trước đây. “Để làm được việc đó, thay vì các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường chung chung nên có những khẩu hiệu cụ thể. Ví dụ như Đốt rác không đúng cách có thể phát thải dioxin. Có vậy công tác giám sát mới hiệu quả”, ông Loãn nói.

Sắp ban hành quy chuẩn về lò đốt rác thải rắn sinh hoạt

Bộ TN&MT đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, dự kiến ban hành vào cuối năm nay. Đây sẽ là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn ban đầu.

MỚI - NÓNG