Nhiều lãnh đạo APEC quyết tâm hiện thực hóa TPP

Con tàu TPP đang vượt sóng gió, hướng tới bến bờ. Tranh: Corbis
Con tàu TPP đang vượt sóng gió, hướng tới bến bờ. Tranh: Corbis
TP - Lãnh đạo 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm qua tái khẳng định cam kết thúc đẩy để thỏa thuận này được thông qua tại từng quốc gia.      

Phát biểu tại hội nghị APEC ở Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bật quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực triển khai hội nhập quốc tế để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP. Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, 

chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm thực thi TPP là rất cần thiết. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên tăng cường hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển để cùng chia sẻ những lợi ích mà TPP mang lại.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo trước cuộc họp của lãnh đạo các nền kinh tế APEC rằng, họ đã ngừng nỗ lực để TPP được Quốc hội Mỹ thông qua, và để số phận của hiệp định này cho Tổng thống kế nhiệm Donald Trump. Chiến thắng của ông Trump gây khó cho ông Obama trong những ngày lãnh đạo cuối cùng. Trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng đến hội nghị APEC lần này, ông Obama gặp phải toàn những câu hỏi khó chịu từ các lãnh đạo khác.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo, nếu không được các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ, thông qua, TPP sẽ “chết mãi mãi”, và chủ nghĩa bảo hộ sẽ thắng thế. Hạ viện Nhật Bản mới đây thông qua TPP. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, Singapore sẽ tiếp tục với TPP cho dù “có khúc quanh trên đường”. Ông Lý khẳng định Singapore sẽ sửa luật để đưa TPP vào thực tế. “Thế giới đang theo dõi cách chúng ta phản ứng”, ông Lý nói. “Chúng ta nên theo đúng lộ trình và chớ đảo ngược một công việc tốt đã được hoàn thành hơn 6 năm qua”, Thủ tướng Singapore phát biểu.

Dường như một số quốc gia đang chuẩn bị tiếp tục với TPP khi Mỹ rút lui. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nói rằng, Mexico cùng Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore quyết tâm “tiếp tục thỏa thuận này một cách độc lập với quyết định của Washington”.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cơ hội lần này để thúc đẩy các kế hoạch tự do thương mại do Bắc Kinh khởi xướng, sẵn sàng lấp vào chỗ trống khi ông Trump theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Bắc Kinh đang thúc đẩy hai lựa chọn: Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) gồm 21 thành viên, và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên, trong đó có Ấn Độ nhưng không có Mỹ. Ông Tập thúc giục các lãnh đạo khu vực thúc đẩy cả hai thỏa thuận này.

Khi chính quyền mới của Mỹ có khả năng quay lưng với tự do thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc “sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài, mà còn mở cửa rộng hơn”, Channel News Asia đưa tin hôm qua.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.