Cả nội và ngoại thành đều “căng”
Hiện tổng lượng nước sạch cung cấp cho toàn thành phố khoảng 880 nghìn đến 900 nghìn m3/ngày đêm, trong đó nguồn nước ngầm đạt khoảng 670 nghìn m3/ngày đêm do các đơn vị như Công ty nước sạch Hà Nội; Công ty nước sạch Hà Đông; Công ty CP cấp nước Sơn Tây khai thác và cung cấp.
Đối với nguồn nước mặt (từ nhà máy nước mặt sông Đà về Hà Nội) do Công ty CP nước sạch Vinaconex khai thác và cung cấp đạt khoảng 230 nghìn m3/ngày đêm (công suất thực tế chỉ đạt 170 nghìn m3). Điều đáng nói, hiện năng lực của hệ thống cấp nước so với nhu cầu dùng nước đã đạt đến mức giới hạn. Riêng trong năm 2014, nguồn nước cấp toàn khu vực đô thị của Hà Nội không tăng so với năm 2013, trong khi mạng lưới cấp nước tiếp tục triển khai và khách hàng tăng nhanh.
Theo Công ty nước sạch Hà Nội - đơn vị có lượng khách hàng và địa bàn rộng nhất hiện nay, dự báo do ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng nguồn nước ngầm năm nay tiếp tục suy giảm từ 1 đến 2% so với năm 2014.
Trong khi nguồn nước mặt sông Đà không cung cấp đủ cả về áp lực và lưu lượng theo yêu cầu. “Chúng tôi dự kiến nhu cầu tăng từ 7 đến 10% so với hè năm 2014 tương ứng sản lượng cần cấp 620 nghìn đến 675 nghìn m3/ngày đêm. Trong khi đó nguồn nước ngầm công ty chỉ đạt 585 nghìn đến 620 nghìn m3/ngày đêm”, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết.
Theo đơn vị này việc khoan bổ sung thay thế các giếng để duy trì công suất thiết kế gặp nhiều khó khăn về bố trí mặt bằng, quỹ đất, địa tầng khai thác nước. Còn các dự án phát triển nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống đều triển khai chậm so với kế hoạch: “Với tình hình này ngay cả nhiều khu vực dân cư ở nội đô như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa... sẽ đối mặt với việc mất nước cục bộ trọng dịp hè”, một vị cán bộ cho hay.
Ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh nước sạch (Viwaco), đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà cho hay, với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều chung cư cao tầng, các khu đô thị “mọc lên” nên địa bàn cấp nước liên tục mở rộng, trong khi nguồn cung cấp nước đang bị hạn chế: “Dự kiến công suất bình quân năm 2015 của chúng tôi sẽ là 181 nghìn m3/ngày đêm, trong khi năm 2014 là 170 nghìn m3/ngày đêm. Với những dự báo về mùa hè năm nay thì một số khu vực dân cư thuộc khách hàng chúng tôi sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sạch là điều không thể tránh khỏi”, ông Việt nói.
Đường ống số 2 chưa biết ngày khởi công
Theo đánh giá của cơ quan chức năng Hà Nội, ngoài nguyên nhân do nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến trong khi nguồn cung cấp đã đạt đến giới hạn thì một nguyên nhân nữa là do áp lực nước của tuyến ống dẫn nước sông Đà bị vỡ nhiều lần, nên công suất cấp nước về bị khống chế, dẫn đến nhiều khu dân cư phải chịu cảnh mất nước, thiếu nước.
Hiện hệ thống này chủ yếu cấp cho khu vực phía Tây, Nam thành phố gồm các quận, huyện như Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Trì: “Từ khi vận hành đến nay hệ thống này liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống truyền tải từ nhà máy Hòa Bình về Hà Nội.
Do chỉ có đường dẫn duy nhất nên mỗi lần gặp sự cố, phạm vi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện trông chờ nhiều vào dự án thi công tuyến ống nước sông Đà số 2 và dự án nâng công suất nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2 để đảm bảo cung cấp đủ về lưu lượng và áp lực theo nhu cầu”, một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng đường ống số 2, trước đó lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Tổng công ty Vinaconex và Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và bắt đầu tiến hành thi công đường ống cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai 3.
Với yêu cầu phải hoàn thành và đưa vào vận hành đường ống trong quý II năm 2015 để đảm bảo kịp thời cung cấp nước sạch ổn định cho người dân Hà Nội trong hè 2015. Tuy nhiên, được biết trong cuộc họp diễn ra chiều qua của lãnh đạo thành phố về tình hình cung cấp nước sạch thì phía đơn vị được giao thực hiện dự án xây dựng đường ống nước sông Đà 2 báo cáo dự án nhiều khả năng sẽ không hoàn thành đúng thời hạn: “Tại cuộc họp phía chủ đầu tư có báo cáo với lãnh đạo thành phố hiện vẫn đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục, các khâu trong việc thực hiện dự án và không thể khởi công đúng như kế hoạch ban đầu”, một cán bộ cho biết.
Ngày 29/7/2014, sau lần vỡ thứ 9, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.