Dân khát, nhiều công trình nước sạch bỏ hoang

Bể nước ở bản Poọng, Phú Nghiêm, Quan Hóa (Thanh Hóa) không phát huy hiệu quả. Ảnh: Hoàng Lam
Bể nước ở bản Poọng, Phú Nghiêm, Quan Hóa (Thanh Hóa) không phát huy hiệu quả. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Hàng chục công trình nước sinh hoạt được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước được phát hiện qua các đợt giám sát tại tỉnh Thanh Hóa không phát huy hiệu quả, bỏ hoang.

Trong giai đoạn 2010 - 2013, có 60 công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung  được đầu tư xây dựng tại 40 xã của 11 huyện miền núi Thanh Hóa (trong đó gồm 28 công trình thuộc Chương trình 134; 9 công trình thuộc Chương trình 135; 23 công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn). Tuy nhiên, nhiều công trình xây xong nhưng không sử dụng.

Trong tổng số 60 công trình được giám sát có hơn 30% công trình bị tắc, bị vỡ đường ống, nhiều vị trí bể lọc bị hỏng, bể nước không phù hợp với khu dân cư. Có nơi chỉ có 4- 5 hộ dân sử dụng, nhưng đặt tới 2 bể (xã Văn Nho, huyện Bá Thước). Có nơi nhiều hộ sử dụng nhưng chỉ bố trí 1 bể (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh). Công trình cấp nước bằng nguồn nước tự chảy ở bản Na Ấu, xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn) không sử dụng được do không có nước. Tuy nhiên, ngay cạnh công trình này, người dân tự đầu tư hệ thống giếng bơm, cung cấp cho hơn 30 hộ dân có nước sinh hoạt ổn định; tổng giá trị công trình của dân làm gần 30 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Việc thiết kế, thi công xây lắp nhiều công trình nước sinh hoạt ở miền núi chưa đảm bảo chất lượng. Hầu hết đường ống dẫn nước qua khe, suối nhưng không có trụ đỡ, cáp neo, nên bị nước cuốn trôi (xã Tam Thanh, Quan Sơn; xã Tam Văn, Lang Chánh, xã Thạch Lập, Ngọc Lặc; xã Thành Minh, Thạch Thành)… Nhiều công trình chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, đa số nổi trên mặt đất, nên súc vật, phương tiện giao thông đi lại làm hư hỏng đường ống.

Hầu hết các bể nước mới sử dụng được khoảng 2 năm đã bị nứt, bung tróc, thấm tường, nước rò rỉ, không phát huy hiệu quả, như tại huyện Mường Lát có 11/31 công trình, Quan Sơn có 5/27 công trình, Quan Hóa có 8/32 công trình, Lang Chánh có 3/14 công trình, Thường Xuân có 3/10 công trình, Như Xuân có 3/8 công trình, Thạch Thanh có 2/7 công trình, Ngọc Lặc có 3/8 công trình…

Theo các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa, để xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm thuộc về đơn vị chủ đầu tư, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh và UBND các huyện, xã miền núi (chủ đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135).

Được biết, trong những năm qua, Thanh Hóa xây dựng 173 công trình nước sinh hoạt tại 90 xã miền núi. Tổng nguồn vốn được đầu tư là 176.035 triệu đồng; trong đó, vốn huy động từ nhân dân là 9.604 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

MỚI - NÓNG