Vài năm trở lại đây, tình trạng khỉ trên bán đảo Sơn Trà kéo nhau theo bầy đàn xuống đường "xin ăn", tuy đã giảm nhưng vẫn khiến cơ quan chức năng phải lo lắng, đau đầu vì người dân, khách du lịch tham quan bán đảo này lại tăng.
Nhiều bạn trẻ vô tư cho khỉ ăn. |
Ghi nhận của Tiền Phong, chiều 29/05, dọc tuyến đường từ chùa Linh Ứng lên tới Resort Intercontinental, nhiều du khách đang đi xe máy, ô tô bất ngờ dừng đỗ cho khỉ ăn, bất chấp biển cấm của lực lượng chức năng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Hiện nay là không có chế tài xử phạt hành vi cho khỉ ăn, luật chỉ quy định xử lý các trường hợp bắt, nhốt, giết hại động vật hoang dã. Trong ảnh: Khỉ mẹ bồng theo con xuống đường xin ăn. |
Chị Nguyễn Thị Lê (36 tuổi, trú quận Hải Châu) chia sẻ, nhiều lần thấy người dân, du khách cho khỉ ăn giữa đường nên chị tới nhắc nhở. Tuy nhiên, chị nhận lại là những câu trả lời thờ ơ, đôi khi là quát tháo.
Đàn khỉ ăn mọi thức ăn được cho, từ trái cây đến bánh kẹo... |
Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng, mấy năm nay lượng người dân và du khách đến tham quan bán đảo tăng cao khiến tình trạng cho khỉ xuống đường "xin ăn" lại tiếp diễn. Các khu vực khi xuống chủ yếu tại các khu vực như Miếu Đôi, trước cổng chùa Linh Ứng, khu vực trước quán Hoang Dã, cung đường ven bán đảo đoạn từ Hồ Xanh đi Cây đa Sơn Trà dù đã triển khai nhiều biện pháp, song vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Người đàn ông bị nhắc nhở khi vô tư mang một nải chuối cho khỉ ăn tại Miếu Đôi. |
Nhiều người cứ nghĩ cho khỉ ăn là tốt vì chúng đói thế nhưng trái lại lại đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của chúng, bởi trong đó có nhiều loại thức ăn không phù hợp và mầm bệnh từ con người cũng dễ lây lan cho chúng.
Ông Phan Minh Hải, Phó Ban Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông tin, hiện nay là không có chế tài xử phạt hành vi cho khỉ ăn. Luật chỉ quy định xử lý các trường hợp bắt, nhốt, giết hại động vật hoang dã. Đồng thời, nếu tình trạng cứ tiếp diễn sẽ khiến nhiều đàn khỉ mất đi khả năng sinh tồn vốn có mà xuống đường xin ăn.
Nhiều tình nguyện viên đến từ các tổ chức khác nhau vẫn tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức cho khách tham quan bán đảo tác hại khi cho khỉ ăn. |
Ngoài ra, việc người dân cho khỉ ăn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn cho khỉ và lây bệnh cho người. Trước đó vài tháng tại đường Trường Sa, đã có trường hợp do mải ngắm khỉ mà lao xe máy xuống hố và một con khỉ bị người chạy xe máy cán đứt lìa chân.
Đứng trước tình trạng trên, hiện tại, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã cắm nhiều bảng cấm tại một số địa điểm khỉ thường hay kéo xuống. Đồng thời tuyên truyền, phát động nhiều chiến dịch đến các trường học, thông tin báo đài để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo môi trường sinh thái trên báo đảo Sơn Trà.