Khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ. Ảnh: Hòa Bình |
Trong những năm qua, TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương. Nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng…, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, kết quả hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu |
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TPHCM cho các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, cũng là cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định rằng, sự hợp tác toàn diện giữa TPHCM và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Khách du lịch tham quan và trải nghiệm tại Bến Tre. Ảnh: C2T |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan; đây chính là thế mạnh để tỉnh phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu. Đồng thời, tài nguyên du lịch đặc thù gắn với đồng bằng ven biển, Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có sức hấp dẫn cao đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng; hiện cầu Rạch Miễu 2 đã khởi công, các công trình, dự án đã có nhà đầu tư trước đây cũng đã bắt đầu khởi động.
Anh Võ Văn Phong - Giám đốc công ty du lịch C2T Bến Tre tặng hoa khách du lịch |
Tới đây, Bến Tre còn nhiều dự án khác như: Phối hợp tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Vĩnh Long, xây dựng cầu Tân Phú,… đây là các công trình, dự án hứa hẹn tạo sự phát triển của Bến Tre trong thời gian tới. Đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TPHCM; đây là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho Bến Tre, giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú - tỉnh Bến Tre, thúc đẩy liên kết giữa Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TPHCM.