Nhiều đổi mới với chính sách bảo hiểm y tế từ tháng 12

Nhiều chính sách mới với BHYT chuẩn bị được áp dụng, thẻ BHYT giấy sẽ được thay thế bằng thẻ điện tử. Ảnh: Như Ý.
Nhiều chính sách mới với BHYT chuẩn bị được áp dụng, thẻ BHYT giấy sẽ được thay thế bằng thẻ điện tử. Ảnh: Như Ý.
TP - BHXH Việt Nam cho biết, Nghị định mới của Chính phủ về bảo hiểm y tế (BHYT) đã bổ sung thêm một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ, thêm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT.

Sắp dùng thẻ BHYT điện tử

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ký ban hành, từ ngày 1/1/2020, BHXH Việt Nam phải cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người dân.

“BHXH Việt Nam đang chuẩn bị các bước liên quan, và sẽ thực hiện đúng thời hạn Thủ tướng giao, không có chậm trễ”, ông Ánh nói. Về việc có hiện tượng trùng số thẻ BHYT, chưa chính xác về thời gian đủ 5 năm liên tục… ông Ánh khẳng định, thời gian qua BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT.

Hiện mỗi người chỉ có 1 mã số định danh tham gia thống nhất giữa BHXH và BHYT. Do đó, hiện tượng trùng thẻ, sai thời gian 5 năn liên tục còn rất ít, thậm chí hầu như không còn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Ban sổ - thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, vừa qua có một số trường hợp sai lệch thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục. Ngay khi ghi nhận thông tin, BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các địa phương rà soát, xử lý, trường hợp người dân có phản ánh phải rà soát đổi thẻ BHYT mới ngay trong ngày.

Về thẻ BHYT điện tử, theo ông Hiếu, Thủ tướng đã giao BHXH Việt Nam xây dựng Dự thảo Quyết định về thẻ BHYT điện tử (thẻ có gắn chip). Công nghệ thẻ do Việt Nam làm chủ. BHXH Việt Nam đã xây dựng dự thảo và gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Sau khi tiếp thu ý kiến các bên, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thiện báo cáo Thủ tướng ký ban hành. “Sau khi có quyết định của Thủ tướng, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện phát hành ngay thẻ BHYT điện tử, hiện công tác này chưa phát sinh vướng mắc gì lớn”, ông Hiếu nói.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng lý giải thêm về thực tế BHYT hộ gia đình còn ít người tham gia. Theo đó, lý do chính dẫn tới tình trạng này vì khả năng kinh tế của nhiều người dân chưa cao; ý thức và nhận thức về vai trò BHYT chưa đầy đủ, nhiều người chi tham gia khi có bệnh.

Bổ sung quyền lợi khám chữa bệnh BHYT

Nghị định 146/2018 bổ sung nhóm đối tượng BHYT do ngân sách nhà nước đóng, gồm: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, ưu tú được nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở. Nghị định bổ sung nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (không tham gia tại các nhóm khác)…

Về mức đóng BHYT hộ gia đình, quy định mới chỉ giảm trừ với các thành viên gia đình khi cùng tham gia trong năm tài chính; đối tượng đã được ngân sách hỗ trợ sẽ không tính để giảm trừ cho các thành viên khác. Một số trường hợp không đóng BHYT vẫn được hưởng quyền lợi, như đang nghỉ chế độ ốm đau, trẻ em tính tròn tháng sinh. Nghị định cũng đưa ra các quy định về thời gian tính BHYT với các trường hợp trẻ em hết 6 tuổi nhưng chưa tới ngày đi học, học sinh chuyển cấp… Đặc biệt, nghị định mới bỏ quy định ngân sách hỗ trợ đóng BHYT 5 năm cho người cận nghèo mới thoát nghèo.

Nghị định 146 tháo gỡ vướng mắc lâu nay với bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân khám lại. Theo đó, mỗi giấy chuyển tuyến được sử dụng 1 lần; trường hợp khám lại được sử dụng giấy chuyển tuyến trước đó. Nếu giấy chuyển tuyến trong năm, hoặc thẻ BHYT hết hạn nhưng chưa hết đợt điều trị vẫn tiếp tục được sử dụng (không phải xin chuyển tuyến lại, đặc biệt với bệnh nhân ung thư).

Trường hợp người đi khám chữa bệnh không đúng thủ tục, khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng BHYT được thanh toán trực tiếp từ cơ quan BHXH. Trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được chuyển tuyến khác vẫn được BHYT thanh toán như đi khám chữa bệnh trái tuyến. Trường hợp người bệnh được cơ sở y tế tuyến trên chẩn đoán chỉ định điều trị và chuyển về trạm y tế xã để quản lý theo dõi cấp phát thuốc cũng được hưởng quyền lợi theo quy định. 

Nghị định 146 cũng quy định chi tiết về mức chi trả và đồng chi trả BHYT. Trường hợp số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau lớn hơn 6 tháng lương cơ sở: Người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.

Nghị định 146 có hiệu lực từ 1/12/2018. Chính phủ cũng quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 BHXH Việt Nam phải cấp thẻ BHYT điện tử.

Theo Nghị định 146/2018, một số trường hợp đặc biệt được tính là tham gia BHYT liên tục gồm: Gián đoạn tối đa không quá 3 tháng; người được cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ người thân đi theo bố mẹ công tác ở nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHYT trước khi đi, và khi về nước tham gia trở lại trong thời gian 30 ngày; người lao động chờ giải quyết chế độ trợ cấp thất ngiệp…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.