Nhiều doanh nghiệp ký “khống” hợp đồng lao động để “trốn” bảo hiểm

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cô bố kết quả khảo sát tại toạ đàm.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cô bố kết quả khảo sát tại toạ đàm.
TPO - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, do mức nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc quá cao nên nhiều doanh nghiệp đối phó bằng cách ký hai hợp đồng lao động, trong đó hợp đồng tính lương theo lương tối thiểu vùng chỉ phục vụ mục đích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Sáng nay, 8/9, tại TPHCM, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức toạ đàm “Bảo hiểm xã hội thực hiện cải cách thủ tục hành chính hướng tới tạo thuận lợi đối với doanh nghiệp” với sự tham dự của trên 200 doanh nghiệp tại TPHCM và Bình Dương.

Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) tại nhiều tỉnh, thành về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo đó, 100% DN được khảo sát đánh giá cao sự nỗ lực của BHXH Việt Nam và các địa phương trong quá trình cải cách thủ tục hành chính đối với DN và người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phần mềm do BHXH VN cung cấp miễn phí. Triển khai thực hiện giao dịch điện tử từ quý I/2015, đến nay nhiều địa phương đạt trên 90% số lượng DN tham gia, cá biệt một số huyện thuộc tỉnh Khánh Hoà đạt 100%.

Các DN không còn chen chúc, xếp hàng chờ lấy số thứ tự làm thủ tục nộp hồ sơ, nhận kết quả tại cơ quan BHXH, không còn mất thời gian đi lại, chờ đợi như trước. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thời gian làm thủ tục BHXH của DN là 335 giờ/năm. Từ cuối năm 2014 đến nay, BHXH đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm được 283 giờ, chỉ còn 52 giờ.

Tuy nhiên, do mức bảo hiểm bắt buộc hiện hành còn cao nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư các DN có vốn đầu tư nước ngoài do làm tăng chi phí tiền lương, tiền công vốn là lợi thế của Việt Nam.

Nếu xét trên tỷ lệ đóng góp thực tế của DN về các khoản đóng góp BHXH thì Việt Nam là quốc gia cao nhất trong khu vực, chiếm 22%, trong khi Malaysia: 13%, Philipine: 10%, Indonesia: 8%, Thái Lan: 5%. Gánh nặng BHXH gây khó khăn, tăng chi phí nhân công, góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của DN tại Việt Nam so với khu vực.

“Hầu hết các DN chúng tôi khảo sát thừa nhận để tránh nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc, họ ký hai hợp đồng với người lao động, gồm hợp đồng trả lương thực tế và hợp đồng tính lương theo lương tối thiểu vùng làm căn cứ để nộp các khoản bảo hiểm”, bà Cúc cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.