Nhiều doanh nghiệp không muốn chọn bảo hiểm xã hội?

Làm thủ tục BHXH hết 335 giờ/năm là rào cản trong cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Ảnh: Phạm Thanh.
Làm thủ tục BHXH hết 335 giờ/năm là rào cản trong cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Bảo hiểm xã hội hoạt động theo hướng phục vụ doanh nghiệp nhưng còn quá nhiều hạn chế. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận: Người thụ hưởng chính sách và DN kêu rất nhiều về thủ tục hành chính. Nếu có lựa chọn, doanh nghiệp (DN) không chọn BHXH.

Làm thủ tục hết 335 giờ/năm và những kêu than

Anh Lê Văn Minh, làm việc tại một DN ở Hà Nội kể, anh thuộc đối tượng thu nhập thấp, không có hộ khẩu Hà Nội nên để được thuê mua nhà ở xã hội phải xin xác nhận thời gian tham gia BHXH. Tới cơ quan BHXH quận xin xác nhận, nhưng được yêu cầu phải có công văn đề nghị của nơi đang làm việc mới được cấp xác nhận. 

Anh Minh về xin xác nhận cơ quan, đem ra cơ quan BHXH và phải đợi 15 ngày sau mới có xác nhận. “Quy định cho phép người tham gia BHXH được biết và giám sát quá trình đóng BHXH của mình. Nhưng khi tới cơ quan BHXH lại phải xin đủ thứ giấy tờ, rồi lại phải chờ đợi tới nửa tháng, chưa kể để được giải quyết thủ tục phải xếp hàng đợi mấy tiếng đồng hồ mới tới lượt”, anh Minh nói.

Theo anh Minh, lúc đầu anh nghĩ xác nhận thời gian tham gia BHXH cũng như trích thông tin tài khoản ngân hàng, đưa chứng minh thư là được cung cấp ngay, không ngờ phức tạp và mất nhiều thời gian như vậy.

“Cơ quan BHXH phải là đơn vị ghi nhận và thông tin quá trình đóng cho người lao động, như tài khoản ngân hàng, không phải đi xin mới được cung cấp. Sổ điện tử rất đơn giản, công nghệ hiện nay làm được, nhưng mãi chưa xong, đây là yếu kém trong chính sách và thực hiện”. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân

Mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận: “Thực tế người thụ hưởng chính sách (người tham gia, hưởng BHXH - PV) và DN kêu rất nhiều về thủ tục hành chính. Dù BHXH Việt Nam có cố gắng, nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều DN nói với tôi, nếu có thêm 1 hệ thống bảo hiểm nữa, chắc chắn họ không chọn hệ thống BHXH hiện nay. Điều này không phải do chính sách, mà do khâu thực hiện chưa tốt”.

Theo ông Huân, nếu không áp dụng công nghệ thông tin, với 20.000 con người hiện có của BHXH Việt Nam cũng khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng và doanh nghiệp. Đơn cử, việc xây dựng sổ BHXH điện tử (tương tự tài khoản ngân hàng) thay sổ giấy hiện nay, dù đưa vào luật từ năm 2006, tới nay (10 năm) BHXH vẫn chưa thực hiện được.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận, những thắc mắc của ông Lê Văn Minh là đúng. Đó là bất cập trong thực hiện. Vì người tham gia có quyền được biết thông tin về thời gian tham gia BHXH của mình và cơ quan bảo hiểm phải cung cấp khi được yêu cầu.

 “Việc thực hiện có nơi tốt, nơi có vấn đề cần khắc phục”, ông Liệu nói. Theo ông Liệu, những phát sinh thủ tục trên do cơ sở dữ liệu về người tham gia BHXH vẫn chưa được đồng bộ hết. Về nhận xét của Thứ trưởng Phạm Minh Huân thông qua phản ánh, kêu ca của DN, ông Liệu cho rằng, đó là đánh giá chưa toàn diện, khách quan. “Thủ tục là quy định của cơ quan nhà nước ban hành, BHXH Việt Nam không thể ban hành thêm”, ông Liệu nói.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian doanh nghiệp ở Việt Nam làm thủ tục BHXH là 335 giờ/năm, với hơn 300 loại thủ tục, giấy tờ khác nhau.

Xem lại tội trốn đóng BHXH

Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã lùi thời gian có hiệu lực để chỉnh sửa), đã bổ sung tội: “Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (điều 216). Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Cty Luật BASICO) cho rằng, việc đóng BHXH là yêu cầu quan trọng để bảo vệ lợi ích người lao động. Tuy nhiên, cần nhìn nhận công bằng, hợp lý, thực tế và nhân văn hơn đối với người sử dụng lao động. Theo LS Đức, có nguy cơ quá lớn đối với nhiều DN, khi họ khó khăn phải nợ lương, BHXH. 

“Điều luật trên rất dễ dẫn đến oan sai cho các DN gặp khó khăn, thậm chí là chiêu bài để cạnh tranh, tình ngay, lý gian rất dễ vô tội thành có tội”, ông Đức cảnh báo. Theo vị luật sư này, không nên vì số ít DN vi phạm mà đẩy tất cả thành tội, trong khi hành vi nợ, chậm lương, trả lương thấp còn đáng tội hơn. Vì vậy, LS Đức kiến nghị loại bỏ tội trốn đóng BHXH khỏi Luật Hình sự trong lần sửa đổi tới.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, đưa tội trốn đóng BHXH vào Luật Hình sự là điều không mong muốn, vì nhiều DN khó khăn thật, nhưng cũng có DN lợi dụng tiền BHXH. “Đây là điều cực chẳng đã, tốt nhất vẫn giải quyết bằng các biện pháp hành chính. Chúng tôi đang cho anh em rà soát các quy định liên quan tới lao động và luật hình sự để cân nhắc việc này”, ông Huân nói.

Ông Trần Đình Liệu cho biết, chi phí BHXH được tính vào giá thành sản phẩm và chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, nên DN đã được trừ thuế vẫn không đóng BHXH cho người lao động đó là hành vi chiếm dụng, phải xử lý. Để tránh oan sai, ông Liệu cho biết, khi thực hiện sẽ cố gắng áp dụng cơ chế hành chính (như thanh kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt…) để giải quyết, khi không giải quyết được mới đưa ra hình sự, khởi tố, quá trình này kéo dài 1-2 năm.

MỚI - NÓNG