Theo dự thảo, thẩm quyền tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” thuộc UBND thành phố Hà Nội; xét tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu cụ thể các tiêu chuẩn mà cá nhân cần đạt được để xét tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Theo đó, đối với cá nhân thuộc thành phố Hà Nội, các tiêu chuẩn gồm:
Cá nhân tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; cá nhân tham gia kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp; cá nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ;
Cá nhân được thành phố Hà Nội trình và đã được khen thưởng một trong các hình thức sau: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lao động; Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân; Nghệ nhân nhân dân; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; Đạt giải nhất, huy chương vàng trong các cuộc thi, giải đấu cấp khu vực hoặc thế giới;
Cá nhân trong thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố được tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công.
Cá nhân được Thành ủy, UBND thành phố tặng thưởng một trong các hình thức như: Công dân Thủ đô ưu tú; 10 lần được tặng Bằng khen về thành tích công tác năm hoặc danh hiệu Người tốt việc tốt thành phố; 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố; 3 lần được tặng bằng Sáng kiến Thủ đô.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết cũng nêu cá nhân đã hoặc đang đảm nhiệm các chức vụ ở Hà Nội cũng nằm trong đối tượng xét tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô.
Cụ thể, gồm: Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, ban, ngành; Trưởng, phó đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã hoặc chức vụ tương đương (theo văn bản phân cấp quản lý các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý của Thành ủy Hà Nội) một nhiệm kỳ (5 năm) trở lên.
Với đại biểu HĐND thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở, Phó Chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã phải đáp ứng yêu cầu từ 2 nhiệm kỳ (từ 8 đến 10 năm) trở lên.
Đối với cá nhân thuộc các Bộ, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể T.Ư và các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, phải có đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tăng cường sự hợp tác giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước và trên thế giới, được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị thuộc thành phố đề xuất. Đối với cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, phải có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô trên các lĩnh vực, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô, thành phố và các nước trên thế giới, được các sở, ban, ngành, đoàn thể đề xuất.