Kiến nghị quan trắc nước hồ Tây sau hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quận Tây Hồ (Hà Nội) đề nghị các Sở TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên hồ Tây cũng như tiến hành quan trắc đảm bảo chất lượng môi trường mặt nước. 

Quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa có văn bản gửi UBND thành phố và báo Tiền Phong, phản hồi thông tin liên quan đến phản ánh "Cá chết nổi trắng một góc hồ Tây" đăng ngày 5/10 trên báo Tiền Phong.

Kiến nghị quan trắc nước hồ Tây sau hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày ảnh 1

Tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây. Ảnh: Trường Phong

Về tình trạng cá chết tại hồ Tây, UBND quận Tây Hồ cho biết, đã có văn bản đề nghị các Sở TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên hồ Tây cũng như tiến hành quan trắc đảm bảo chất lượng môi trường mặt nước.

UBND quận cũng chỉ đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận kiểm tra, đôn đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom toàn bộ khối lượng cá chết trên mặt nước hồ Tây.

"Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom khoảng hơn 800kg cá chết trên mặt nước hồ Tây, tính từ ngày 28/9 đến 6/10 và tiếp tục tăng cường công tác thu gom đảm bảo không tồn đọng cá chết khu vực mặt nước hồ Tây, đặc biệt tại khu vực phố Nguyễn Đình Thi", văn bản của quận Tây Hồ nêu.

Quận Tây Hồ cũng cho biết, đã thường xuyên chỉ đạo Công an quận và UBND các phường xung quanh hồ Tây tổ chức ra quân đảm bảo an ninh trật tự và xử lý nghiêm tình trạng câu, đánh bắt cá khu vực hồ Tây.

Liên quan đến tình trạng cá chết ở hồ Tây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại hồ Tây; đề xuất giải pháp khắc phục; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/10/2022.

Tình trạng cá chết kéo dài gần nửa tháng

Trước đó, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tiền Phong, trong các ngày 5 - 6/10, kéo dài đến ngày 13/10, tình trạng cá chết xuất hiện nhiều tại hồ Tây, khu vực phía đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (quận Tây Hồ).

Kiến nghị quan trắc nước hồ Tây sau hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày ảnh 2

Công nhân Cty Thoát nước Hà Nội vớt cá chết ở hồ Tây.

Theo thông tin từ phía Công ty này, mỗi ngày họ vớt được hàng chục kilogam cá chết, có ngày khoảng 1 tạ. Một số người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, tình trạng cá chết đã diễn ra nhiều ngày trước. Đến ngày 7/10, 10/10, phóng viên ghi nhận, lượng cá chết đã giảm, chỉ còn lác đác, số lượng không nhiều. Tuy nhiên, đến ngày 13/10, tình trạng cá chết lại diễn ra khá nhiều.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện đơn vị thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội làm nhiệm vụ quản lý khu vực hồ Tây cho biết, sơ bộ nhận định có một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết những ngày qua. Cụ thể, thời điểm giao mùa khiến tảo xanh, tảo đen phát triển ở hồ Tây; trời mưa, nắng thất thường ảnh hưởng đến môi trường nước.

“Những loại cá chết không phải là cá sinh sống lâu năm ở hồ Tây. Chúng tôi quan sát thấy chủ yếu là cá trôi, cá mè bị chết, thường là cá mới được phóng sinh xuống hồ, bị sốc môi trường mới”, vị này nói, đồng thời cho biết, thời gian gần đây có những trường hợp phóng sinh hàng tấn cá, chủ yếu là các loại cá to xuống hồ.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tiền Phong, vẫn còn một số cống thoát nước chảy trực tiếp xuống hồ Tây. Ngày 6/10, tại khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi, nước từ hai cống thoát nước phía đường Nguyễn Đình Thi chảy cuồn cuộn ra hồ Tây.

Cách đó vài trăm mét, đối diện sân bóng Chu Văn An, một cống thoát nước khác cũng đổ nước xuống hồ Tây. Đáng chú ý, một cống thoát nước đầu đường Nguyễn Đình Thi rất lớn, lượng nước chảy xiết, đục ngầu, kèm theo nhiều rác thải, vươn xa hàng chục mét hoà vào nước hồ Tây.

Kiến nghị quan trắc nước hồ Tây sau hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày ảnh 3

Nước cống cuồn cuộn chảy vào hồ Tây. Ảnh: Trường Phong

Trao đổi với phóng viên, phía đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nay, phần lớn nước thải quanh khu vực hồ Tây đã được thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để xử lý. Toàn bộ quanh hồ Tây có khoảng 90 cống cấp, thoát nước, trong đó đơn vị làm nhiệm vụ thoát nước Hà Nội quản lý hơn 50 cống.

Theo vị này, về nguyên tắc, hệ thống cống cấp, thoát nước này sẽ được điều tiết, bổ cập nước cho hồ Tây theo quy định để đảm bảo hồ Tây là “hồ sống” chứ không phải “hồ chết”, đảm bảo thoát nước cho khu vực, đề phòng úng ngập. Khi không có mưa, nước thải từ các cơ quan, đơn vị, khu vực dân sinh theo hệ thống cống thu gom về nhà máy để xử lý. Khi xuất hiện mưa to, vượt ngưỡng thì nước thải hoà tan với nước mưa, có thể chảy tràn vào hồ Tây.

“Hồ Tây thực chất là hồ điều tiết, phục vụ nhiệm vụ thoát nước”, vị này nói, đồng thời cho biết, quy định hiện nay cho phép việc này xảy ra. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, hiện nay, nguy cơ ô nhiễm với hồ Tây là rất cao, khi trong lượng nước thải đổ xuống hồ chứa nhiều chất tẩy rửa, xà phòng, nước thải sinh hoạt…

Về lâu dài, để đảm bảo môi trường cho hồ Tây, cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải quanh hồ, tiến hành nạo vét bùn, đồng thời triển khai đồng bộ việc bổ cập nguồn nước sông Hồng cho hồ Tây.

Theo quận Tây Hồ, theo phân cấp tại Quyết định số 14/2021 ngày 6/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội, hồ Tây do Sở Xây dựng quản lý. Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đang phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan báo cáo đề xuất UBND thành phố giao quận Tây Hồ đầu mối thống nhất quản lý, khai thác hồ Tây trên các lĩnh vực: Trật tự trị an, quản lý mặt nước hồ, quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý, cấp phép các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí; quản lý di tích văn hoá; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.

MỚI - NÓNG