Nguyên nhân nào khiến cá chết liên tục ở hồ Tây?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày qua, tại hồ Tây, khu vực giáp đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài xuất hiện tình trạng cá chết nhiều, dạt vào bờ, bốc mùi khó chịu. Lý giải ban đầu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, cá chết do thay đổi thời tiết, tuy nhiên, nhiều người cho rằng, có thể chất lượng nước hồ Tây thay đổi, ảnh hưởng đến cá sinh sống trong hồ.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tiền Phong, trong các ngày 5 - 6/10, kéo dài đến ngày 13/10, tình trạng cá chết xuất hiện nhiều tại hồ Tây, khu vực phía đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (quận Tây Hồ).

Đáng chú ý, lượng cá chết chủ yếu là cá khá to, có con nặng vài cân . Khoảng nước rộng phía xa khu vực giữa hồ cũng xuất hiện nhiều cá chết nổi trắng cả một vùng nước, có thể quan sát bằng mắt thường.

Một số khu vực ven hồ cá dồn lại nhiều, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Trong các ngày 5 - 6/10, các tốp công nhân của Cty MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước Hà Nội) đi thuyền dọc theo tuyến đường Trích Sài - Nguyễn Đình Thi vớt cá chết.

Nguyên nhân nào khiến cá chết liên tục ở hồ Tây? ảnh 1

Cá chết nổi trôi vào bờ phía đường Nguyễn Đình Thi ngày 13/10. Ảnh: Trường Phong

Theo thông tin từ phía Công ty này, mỗi ngày họ vớt được hàng chục kilogam cá chết, có ngày khoảng 1 tạ. Một số người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, tình trạng cá chết đã diễn ra nhiều ngày trước. Đến ngày 7/10, 10/10, phóng viên ghi nhận, lượng cá chết đã giảm, chỉ còn lác đác, số lượng không nhiều. Tuy nhiên, đến ngày 13/10, tình trạng cá chết lại diễn ra khá nhiều.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện đơn vị thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội làm nhiệm vụ quản lý khu vực hồ Tây cho biết, sơ bộ nhận định có một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết những ngày qua. Cụ thể, thời điểm giao mùa khiến tảo xanh, tảo đen phát triển ở hồ Tây; trời mưa, nắng thất thường ảnh hưởng đến môi trường nước.

“Những loại cá chết không phải là cá sinh sống lâu năm ở hồ Tây. Chúng tôi quan sát thấy chủ yếu là cá trôi, cá mè bị chết, thường là cá mới được phóng sinh xuống hồ, bị sốc môi trường mới”, vị này nói, đồng thời cho biết, thời gian gần đây có những trường hợp phóng sinh hàng tấn cá, chủ yếu là các loại cá to xuống hồ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm cuối năm 2016, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây, các lực lượng chức năng của quận Tây Hồ đã tổng rà soát đối với các khu vực dân sinh, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi xả thải ra Hồ Tây, yêu cầu đấu nối với hệ thống xử lý nước thải để xử lý, tránh việc xả thải trực tiếp xuống hồ.

Nguyên nhân nào khiến cá chết liên tục ở hồ Tây? ảnh 2

Công nhân Cty Thoát nước Hà Nội vớt cá chết ở hồ Tây. Ảnh: Trường Phong

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tiền Phong, vẫn còn một số cống thoát nước chảy trực tiếp xuống hồ Tây. Ngày 6/10, tại khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi, nước từ hai cống thoát nước phía đường Nguyễn Đình Thi chảy cuồn cuộn ra hồ Tây.

Cách đó vài trăm mét, đối diện sân bóng Chu Văn An, một cống thoát nước khác cũng đổ nước xuống hồ Tây. Đáng chú ý, một cống thoát nước đầu đường Nguyễn Đình Thi rất lớn, lượng nước chảy xiết, đục ngầu, kèm theo nhiều rác thải, vươn xa hàng chục mét hoà vào nước hồ Tây.

Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực cũng rất bất ngờ trước hiện tượng này. Ngày 7/10, theo ghi nhận, cống thoát nước này vẫn tiếp tục chảy xuống hồ Tây, nước vẫn đục, kèm theo nhiều rác thải. Ngày 13/10, dù trời không mưa, nước từ cống này vẫn chảy vào hồ.

Trao đổi với phóng viên, phía đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nay, phần lớn nước thải quanh khu vực hồ Tây đã được thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để xử lý. Toàn bộ quanh hồ Tây có khoảng 90 cống cấp, thoát nước, trong đó đơn vị làm nhiệm vụ thoát nước Hà Nội quản lý hơn 50 cống.

Nguyên nhân nào khiến cá chết liên tục ở hồ Tây? ảnh 3

Nước cống đục ngàu, cuồn cuộn chảy vào hồ Tây kèm theo nhiều rác thải. Ảnh chụp ngày 6/10. Ảnh: Trường Phong

Theo vị này, về nguyên tắc, hệ thống cống cấp, thoát nước này sẽ được điều tiết, bổ cập nước cho hồ Tây theo quy định để đảm bảo hồ Tây là “hồ sống” chứ không phải “hồ chết”, đảm bảo thoát nước cho khu vực, đề phòng úng ngập. Khi không có mưa, nước thải từ các cơ quan, đơn vị, khu vực dân sinh theo hệ thống cống thu gom về nhà máy để xử lý. Khi xuất hiện mưa to, vượt ngưỡng thì nước thải hoà tan với nước mưa, có thể chảy tràn vào hồ Tây.

“Hồ Tây thực chất là hồ điều tiết, phục vụ nhiệm vụ thoát nước”, vị này nói, đồng thời cho biết, quy định hiện nay cho phép việc này xảy ra. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, hiện nay, nguy cơ ô nhiễm với hồ Tây là rất cao, khi trong lượng nước thải đổ xuống hồ chứa nhiều chất tẩy rửa, xà phòng, nước thải sinh hoạt…

Về lâu dài, để đảm bảo môi trường cho hồ Tây, cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải quanh hồ, tiến hành nạo vét bùn, đồng thời triển khai đồng bộ việc bổ cập nguồn nước sông Hồng cho hồ Tây.

MỚI - NÓNG