Nhiều chính sách mới có hiệu lực

Nhiều chính sách mới có hiệu lực
TP - Từ hôm nay, 1/1/2008, có rất nhiều chính sách mới của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực; đặc biệt trong đó có một số chính sách liên quan mật thiết và tác động mạnh đến đông đảo người dân.
Nhiều chính sách mới có hiệu lực ảnh 1
Từ 1/1/2008, những loại xe này bị cấm lưu thông trên đường. Ảnh: Phạm Yên

Theo các Nghị định (số 166, 167 và 168/2007/NĐ - CP) của Chính phủ, từ 1/1/2008, người lao động trong khối cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được tăng lương  tối thiểu từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng.

Người lao động trong các doanh nghiệp (cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài), cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế được hưởng mức lương tối thiểu từ 540.000 – 1.000.000 đồng/tháng.

Trong đó, lương tối thiểu áp dụng cho khối doanh nghiệp trong nước là 540.000, 580.000 và 620.000 đồng/tháng (tùy khu vực); lương tối thiểu áp dụng cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 800.000,  900.000 và 1.000.000 đồng/tháng (tùy khu vực).

Đối với người về hưu, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, lương sẽ đồng loạt được tăng thêm 20% so với mức năm 2006 (theo Nghị định 184/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với một số đối tượng).

Như vậy, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội không tăng lên theo vùng mà có mức tăng đồng đều. Hiện, cả nước có khoảng 1,5 triệu người hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và khoảng 130.000 cán bộ xã, phường đã nghỉ việc hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Việc chi trả lương mới, theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 26/12/2007 là “việc trả lương mới sẽ diễn ra ngay trong tháng 1/2008, không để tình trạng chậm lương, phải truy lĩnh”.

Cũng từ 1/1/2008, theo Chỉ thị 20/TTg của Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố sẽ triển khai việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách.

Trước mắt, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức làm việc tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành lớn.

Áp dụng khung giá đất mới theo hướng tăng

Từ 1/1/2008, tính bình quân, giá đất ở Hà Nội và TPHCM tăng 20% so với năm 2007.

Trong đó, giá đất cao nhất được áp dụng trong khung giá đất do UBND TP Hà Nội và TPHCM ban hành là 67,5 triệu đồng, ngang với mức trần quy định trong khung giá đất của Chính phủ...

Đây là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng, lệ phí trước bạ; tiền thuê đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ người dân khi Nhà nước thu hồi đất...

Cũng từ 1/1/2008, theo Nghị định 84/CP (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003) quy định, thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận QSDĐ (“Sổ đổ”). Người sử dụng đất phải có “sổ đỏ” mới được thực hiện giao dịch (Khoản 1, Điều 66, NĐ 84/CP).

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 66 cũng đưa thêm 2 đối tượng vẫn được giao dịch (gồm: Người sử dụng đất đã nộp hồ sơ hợp lệ xin cấp “sổ đỏ” trước ngày 1/11/2007; và trường hợp người sử dụng có một trong  các loại giấy tờ về quyền sử dụng được quy định tại Khoản 1,2,5 Điều 50 Luật Đất đai).

Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, sẽ cố gắng cấp đổi xong các loại “giấy trắng”, “giấy hồng”, “giấy đỏ”, thống nhất chỉ còn một loại giấy trong năm 2008. Như vậy, việc sử dụng 1 loại giấy trong giao dịch đất đai chỉ có thể thực hiện đồng bộ vào cuối năm 2008.

“Khai tử” loại xe 3 - 4 bánh tự chế

Từ 1/1/2008, theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, các loại xe ba gác, công nông, xe lambrô, xe lôi 3 bánh, xe tự chế... (gọi chung là xe 3 và 4 bánh tự chế) phải chấm dứt hoạt động, trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu, bán phế liệu, sung công quỹ.

Theo thống kê sơ bộ, hiện TPHCM có khoảng 60.000 xe 3, 4 bánh và các loại xe tự chế khác, trong đó số lượng xe có đăng ký lưu hành chỉ vài ngàn chiếc. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn cả nghìn xe lôi (đạp và máy) 3 bánh. Hà Nội có khoảng 2.000 xe tự chế, trong đó chỉ 116 xe là xe của  thương binh sử dụng.

Số xe sử dụng cho mục đích đi lại rất ít, còn lại dùng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa và phần lớn số xe này chưa có đăng ký, lại được dùng để chở hàng cồng kềnh, siêu trường như sắt thép, khung nhôm, rau quả...

Tuy nhiên, thời điểm này đã cận kề Tết Nguyên đán, việc “khai tử” các loại xe 3 - 4 bánh tự chế cũng khiến hàng chục nghìn người dân nghèo trên cả nước lo âu, vì đó là phương tiện mưu sinh của họ.

Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TPHCM đã kiến nghị UBND thành phố cho gia hạn lệnh cấm thêm từ 6 - 9 tháng, đồng thời hỗ trợ hộ nghèo sinh sống bằng xe 3, 4 bánh tự chế 7 triệu đồng/xe, yêu cầu các trung tâm dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề miễn phí cho người dân thuộc diện trên; Sở GTCC sớm nghiên cứu loại xe phù hợp thay thế xe 3, 4 bánh tự chế...

Theo Thanh Niên online, sáng qua (31/12/2007), tại cuộc họp về việc cấm lưu hành xe tự chế 3 - 4 bánh, Chủ tịch UBND TPHCM đã đồng ý lùi thời điểm đình chỉ lưu hành xe 3 bánh gắn máy trên địa bàn TPHCM đến 30/6/2008. 

Nhắc nhở để chờ lệnh!

Trao đổi với PV Tiền phong vào cuối giờ chiều qua (31/12), ông Đào Công Hải - Trưởng phòng CSGT (CA TP Hà Nội) - cho biết: Do có những kiến nghị từ phía các chủ xe 3 bánh nên tạm thời CSGT sẽ chưa thực hiện kế hoạch ra quân xử lý các trường hợp xe 3 bánh tự chế.

“Hiện chúng tôi đang chờ lệnh chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cho nên hôm nay (1/1/2008), chúng tôi chỉ kiểm tra và nhắc nhở thôi....” - Ông Hải nói.

Lãnh đạo Phòng CSGT cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên tuyền tại các điểm tập kết phương tiện, buôn bán vật liệu xây dựng để đề nghị chủ xe và người điều khiển phương tiện, chủ hàng tự giác không sử dụng xe công nông, xe lambrô, xe tự chế.... 

Thống kê, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 2.000 phương tiện loại này, trong đó có trên 300 xe 3 bánh tự chế, với 242 chủ xe (116 xe là xe của  thương binh sử dụng).

Tuy nhiên, số xe sử dụng cho mục đích đi lại là 22 xe, còn lại dùng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá và phần lớn số xe này chưa có đăng ký. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.