Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25:

Nhất trí sớm đạt được COC

TP - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN với đối tác bế mạc chiều 13/11 tại Myanmar, đưa ra Tuyên bố Chủ tịch tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông; nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông trên cơ sở đồng thuận. 
Nhất trí sớm đạt được COC ảnh 1

Ngày 13/11, tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2. Ảnh: TTXVN

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 cũng tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC và các tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. 

Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, các bên nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo và thúc đẩy việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC và sớm đạt được COC, đề nghị triển khai thêm các biện pháp “thu hoạch sớm” nhằm tăng cường lòng tin ở khu vực.

Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Đông, tái khẳng định các cam kết chung về đảm bảo giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thúc giục Trung Quốc đẩy mạnh tuân thủ luật quốc tế

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh những nỗ lực nhằm tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, nhất là thực hiện Điều 5 của tuyên bố này, không có hành động làm phức tạp thêm, mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng; xúc tiến thương lượng thực chất để sớm đạt được COC có tính ràng buộc, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh tiến trình hợp tác và thúc đẩy sáng kiến của Trung Quốc trong khuôn khổ 2 + 7, theo đó, nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác hiện có và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Hai bên đề nghị thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm, thực hiện hiệu quả cam kết trong khuôn khổ tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2015. ASEAN đánh giá cao việc ASEAN, Trung Quốc và các đối tác khác thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Hướng tới xây dựng cộng đồng Đông Á

Cũng trong chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN + 3. Các nước ASEAN và 3 nước đối tác Đông Bắc Á nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường, mở rộng quan hệ ASEAN + 3 vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng Đông Á trong tương lai, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm của cấu trúc khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, các nước nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác ASEAN + 3 giai đoạn 2013-2017 và đẩy mạnh nghiên cứu triển khai khuyến nghị của nhóm Tầm nhìn Đông Á 2 trên các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Lãnh đạo các nước ASEAN + 3 tái khẳng định cam kết ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các giá trị, chuẩn mực chung, nguyên tắc luật pháp. 

Lãnh đạo các nước cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở biển Đông, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, cần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, DOC và sớm đạt được COC. 

Mỹ khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN

Chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2. Lãnh đạo Mỹ khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển. Mỹ khẳng định chính sách gắn kết lâu dài với Đông Á và ASEAN, coi ASEAN là ưu tiên chiến lược và một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, ủng hộ xây dựng cấu trúc khu vực mà ASEAN đóng vai trò trung tâm. Mỹ cũng khẳng định sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và ASEAN, mong muốn hai bên phối hợp và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác khu vực. Hội nghị thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về hợp tác chống biến đổi khí hậu. 

Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9 diễn ra sáng 13/11 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Tại hội nghị, các nước đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác Đông Á và trong cấu trúc khu vực. Hội nghị đánh giá cao các tiến bộ trong đàm phán đối tác kinh tế toàn diện cũng như sáng kiến do Việt Nam và Úc đồng bảo trợ về phòng chống sốt rét ở châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề căng thẳng trên biển Đông từ đầu tháng 5 đến nay cũng được các lãnh đạo đề cập trong hội nghị này. 

Tối 12/11 diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 6 với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối khu vực Mekong phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết tiểu vùng Mekong với tiểu lục địa Ấn Độ…

Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng 

Trả lời báo chí ngày 13/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả chung của các hội nghị cấp cao lần này. Thứ nhất, chúng ta tiếp tục đề cao đoàn kết và thống nhất ASEAN là điều kiện tiên quyết đảm bảo mục tiêu Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 và tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới. Thứ hai, về triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng, chúng ta nhấn mạnh trách nhiệm, nỗ lực của từng quốc gia và cả khối trong việc thực hiện các cam kết... Thứ ba, về tình hình khu vực, chúng ta đã cùng các nước khẳng định mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực là việc đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông…

MỚI - NÓNG