Sau khi thí điểm thành công về việc chứng minh mô phỏng xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản đưa ra giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả vào sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Theo đó, hệ thống Nano-Bioreactor sẽ gồm 2 nhóm: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24h), rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN, là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch; Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Chuyên gia Nhật cho biết, giải pháp này sẽ đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 1 tạo ra nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch.
Trong trường hợp phát sinh nước thải tràn vào lòng sông thì vẫn có hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn.
Về ưu điểm của Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản để giải quyết đồng thời được các vấn đề hiện tại của Việt Nam trong xử lý nước thải sông Tô Lịch và các “dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm", Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ có chi phí đầu tư ban đầu thấp chủ yếu gồm hai hạng mục hệ thống máy Nano và vật liệu sinh học Bioreactor, hệ thống bể ngầm bằng vật liệu FRP tiện lắp đặt dưới lòng đất. Không yêu cầu nhân lực quản lý vận hành lớn. Chi phí tiền điện vận hành nhà máy nhỏ do sử dụng hệ thống các bơm.
"Bảo bối" Nhật còn xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối bốc lên chỉ trong thời gian rất ngắn từ 1-3 ngày; phân hủy tận gốc bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông chết, ao hồ ô nhiễm thành CO2, H2O mà không cần áp dụng các biện pháp nạo vét cơ học; xử lý tận gốc tại chỗ trong ngày (24h) nước thải từ nguồn rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN bằng bể ngầm trong lòng đất.
Cộng nghệ Nano-Bioreactor còn xử lý tận gốc tại chỗ tạo ra nước đạt QCVN, dùng làm nguồn cấp bổ cập tại chỗ cho các “dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm”; bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt nhờ tạo ra oxy hòa tan trong nước; giảm triệt để các khuẩn E.coli, coliform là nguyên nhân gây các bệnh về đường ruột; đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).
Phía Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản khẳng định sẵn sàng Đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây thành công thì cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Nhật Bản sẵn sàng đầu tư 100% phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây.
Bên phía Nhật Bản đánh giá trước khi có công nghệ Nano-Bioreactor, ở Việt Nam vẫn luôn chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi đến khi nào có đủ tiềm lực tài chính để hoàn thiện được toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Việc trên cần đến nguồn vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng, và sẽ mất 50-100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này. Trong thời gian đó, các dòng sông ô nhiễm bốc mùi hôi thối vẫn hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.