Nhật Bản phản đối Hàn Quốc tham gia G7

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Osaka hồi tháng 6/2019 ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Osaka hồi tháng 6/2019 ảnh: Reuters
TP - Tokyo không ủng hộ Seoul trở thành thành viên G7 vì các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên

Tokyo đã nói với Washington chuyện phản đối ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa Hàn Quốc trở thành thành viên của G7, Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao đưa tin ngày 28/6. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến quan hệ Nhật - Hàn vốn đã băng giá càng trở nên tồi tệ hơn.

Thông điệp Tokyo không ủng hộ Seoul trở thành thành viên G7 vì các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên đã được một quan chức cấp cao của Nhật chuyển đi ngay sau khi ông Trump đưa ra ý tưởng về việc mời Úc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc dự thượng đỉnh năm nay, dự kiến diễn ra vào cuối năm.

Theo Kyodo, phía Mỹ đã trả lời Nhật Bản rằng quyết định cuối cùng sẽ do ông Trump đưa ra. Thông tin về chuyện Nhật Bản phản đối Hàn Quốc tham gia G7 chắc chắn sẽ khiến Seoul giận dữ, sau khi nước này đã hoan nghênh đề xuất của ông Trump. Quan hệ Tokyo-Seoul vốn đã không hoà hợp vì mâu thuẫn trong vấn đề lịch sử chiến tranh và các vấn đề khác.

Phát biểu trên truyền hình ngày 28/6, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi nhắc lại quan điểm phản đối gợi ý mở rộng G7 của ông Trump. “Điều quan trọng là phải giữ khuôn khổ G7 như vốn có, và tôi tin rằng đây là sự đồng thuận chung”, ông Motegi nói.

Đối với Nhật Bản, việc Hàn Quốc tham gia nhóm sẽ khiến Tokyo đánh mất địa vị là quốc gia châu Á duy nhất trong G7. Các thành viên còn lại của nhóm gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, cộng thêm EU. Ông Trump nói muốn mở rộng G7 vì ông tin rằng số thành viên hiện nay của nhóm không hoàn toàn đại diện cho tình hình toàn cầu và khuôn khổ này đã “rất lạc hậu”. Ông Trump nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng này rằng ông có thể sẽ mời cả Brazil, và nhóm mở rộng sẽ được đặt tên là “G11” hoặc “G12”, theo thông tin từ văn phòng tổng thống Hàn Quốc.

Theo các nguồn tin, quan chức cấp cao của Nhật dẫn ra lý do cho sự phản đối của Tokyo là do chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chính sách thân Trung Quốc, nên rõ ràng không phù hợp với cách tiếp cận hiện nay của ông Trump đối với Bắc Kinh. Chính quyền của ông Moon cũng đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Triều Tiên, trong khi ông Trump không từ bỏ lập trường duy trì trừng phạt Bình Nhưỡng vì vấn đề hạt nhân. Theo các nguồn tin, chính phủ Nhật cho rằng đề xuất mở rộng G7 của ông Trump có thể chỉ là ý định nhất thời.

Tổng thư ký Nội các Nhật Yoshihide Suga, nói trong cuộc họp báo ngày 1/6 rằng G7 là một “khuôn khổ quan trọng” để phối hợp trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Khi được hỏi rằng chính phủ Mỹ đã thông báo với Nhật về kế hoạch mở rộng G7 chưa, ông Suga nói: “Tôi sẽ không nói chi tiết, nhưng Nhật Bản và Mỹ đang trao đổi chặt chẽ”.

Trong khi đó, các thành viên như Canada phản đối để Nga trở lại diễn đàn. Từng là thành viên G8, Nga bị loại khỏi khuôn khổ này sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Ông Trump chưa nói chính xác khi nào định tổ chức thượng đỉnh G7 sau khi kế hoạch tổ chức vào tháng 6 bị hoãn. Ngày 30/5, ông nói rằng sự kiện có thể diễn ra vào tháng 9 hoặc thậm chí sau bầu cử tổng thống vào tháng 11. Dù nước chủ tịch luân phiên G7 có thể quyết định mời khách nào đến dự thượng đỉnh, nhưng việc thay đổi khuôn khổ của nhóm sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên. Nhật Bản không phản đối Hàn Quốc tham gia phiên mở rộng của G7 với tư cách khách mời, các nguồn tin cho biết.       

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.