Theo một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc Đại học Kobe, Nhật Bản cho hay, ngay trong thế kỉ này sẽ có rất nhiều đợt phun trào núi lửa và một vài trong số đó thậm chí sẽ “san phẳng” Nhật Bản, khiến 127 triệu dân của nước này gặp nguy hiểm.
“Chúng tôi đã ghi nhận và phân tích chu kì phun trào của núi lửa. Và không phải nói quá khi một thảm họa thiên nhiên mà cụ thể là núi lửa phun trào khiến Nhật Bản biến mất”, báo cáo cho biết.
Hai chuyên gia đến từ Đại học Kobe là giáo sư Yoshiyuki Tatsumi và Keiko Suzuki – thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu – đã phân tích dựa vào một núi lửa khổng lồ nằm trên đảo Kyushu. Đây là hòn đảo đã xảy ra tới 7 lần phun trào dung nham 120.000 năm qua.
Trong báo cáo, các chuyên gia cho rằng nếu hòn đảo phía Nam Nhật Bản này phun trào, nó sẽ chôn vùi khoảng 7 triệu dân dưới dòng dung nham chỉ trong vài giờ.
Đồng thời, gió Tây sẽ mang hàng triệu tấn tro bụi đến đảo Honsu – đảo chính và tập trung nhiều dân nhất (khoảng 120 triệu người) của Nhật Bản khiến cuộc sống nơi đây trở nên “vô vọng”. Tất nhiên, các nơi khác cũng sẽ bị lớp tro bụi này làm ảnh hưởng. Tỉ lệ phun trào trở lại trong vòng 100 năm tới của núi lửa là khoảng 1%.
Mặc dù đây là tỉ lệ rất nhỏ nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng mọi người không nên lơ là mất cảnh giác và đánh giá thấp nó. Bởi trong quá khứ, một dự đoán tương tự vào năm 1995 cho một trận động đất mạnh 7,2 độ richter là 1%. Năm đó, trận động đất đã tàn phá thành phố Kobe, khiến 6.400 người chết và 4.400 người bị thương.
"Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một vụ phun trào núi lửa khổng lồ xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian tới”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Nghiên cứu này được các nhà khoa học cho là lời cảnh tỉnh ở một quốc gia thường xuyên xảy ra động đất, phun trào núi lửa như Nhật Bản. Gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, một núi lửa mang tên Ontake nằm giữa tỉnh Gifu và Nagago đã khiến 51 người chết và một vài trong đó là trẻ em.
Theo Lâm Anh