Nhật Bản biến một hòn đảo thành căn cứ cản chân Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhật Bản đã quyết định khởi công xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Mageshima nhằm củng cố khả năng phòng thủ ở chuỗi đảo Ryukyu và tạo nên căn cứ không quân dự phòng trong trường hợp đối phương tấn công vào đảo Okinawa.
Nhật Bản biến một hòn đảo thành căn cứ cản chân Trung Quốc ảnh 1

Đảo Mageshima của Nhật Bản sẽ sớm trở thành một căn cứ quân sự mới. (Ảnh: Twitter)

Mageshima là hòn đảo không người ở chỉ rộng khoảng 8km2, nằm cách đảo Tanegashima có dân cư khoảng 12km. Năm 2011, Mageshima được chọn làm địa điểm mới để Mỹ diễn tập đổ bộ, thay vì triển khai trên đảo Iwoto, cách thủ đô Tokyo 1.200km, như trước đó.

Hoạt động xây dựng bắt đầu từ ngày 12/1 vừa qua và dự kiến sẽ diễn ra trong 4 năm, tạo nên 2 đường băng, một tháp điều khiển và một kho chứa chất nổ. Theo thông tin trên trang Nippon.com, không chỉ là nơi tàu sân bay Mỹ diễn tập đổ bộ, đảo Mageshima cũng sẽ trở thành một trung tâm tiếp tế và bảo dưỡng để bảo vệ chuỗi đảo Nansei.

Các đảo nhỏ có thể đóng vai trò quan trọng chiến lược khi biến thành trung tâm hậu cần, hàng rào bảo vệ, căn cứ triển khai chiến dịch và cột mốc địa lý để mở rộng yêu sách trên biển.

Mageshima cũng không phải ngoại lệ.

Theo nhà nghiên cứu Yen Hung-Lin, công tác tại Viện An ninh quốc phòng ở Đài Loan (Trung Quốc), Mageshima nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Ryukyu, nơi các tàu hải quân Trung Quốc phải đi qua để ra Thái Bình Dương. Mageshima không có người ở, vì thế chính quyền cũng không phải lo ngại về tiếng ồn do máy bay tạo ra và việc bảo đảm an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, Mageshima có địa hình bằng phẳng, giúp việc xây dựng sân bay thuận lợi hơn. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) chỉ có một số căn cứ trên quần đảo Nansei, nên việc hoàn thành căn cứ trên đảo Mageshima sẽ giúp Nhật và Mỹ tăng cường năng lực phòng thủ trước Trung Quốc.

Nhật Bản biến một hòn đảo thành căn cứ cản chân Trung Quốc ảnh 2

Vị trí của đảo Megeshima

Kế hoạch của Nhật Bản nhằm biến Mageshima trở thành một căn cứ không quân là một phần của chiến lược quân sự lớn hơn. Trong bài viết đăng tháng 4/2022 trên trang web của Viện Nghiên cứu chính sách FPRI, tác giả Felix Chang cho rằng căn cứ mới sẽ không chỉ giúp chặn Trung Quốc giành lấy quần đảo Senkaku, mà còn ngăn cản những tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh trên biển.

Kế hoạch của Nhật về việc đưa các tên lửa hành trình tầm xa lên các đảo Tây Nam và Kyushu là nhằm nâng cao năng lực phản công trước Trung Quốc. Với mục tiêu đó, Nhật Bản có thể cũng sẽ đưa tên lửa tầm xa đến Mageshima.

Mỹ cũng có thể tìm cách đưa tên lửa tầm xa đến Mageshima. Báo chí đã đưa tin về kế hoạch của Mỹ nhằm tạo nên một “bức tường tên lửa” trên chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai.

Chiến lược này dựa trên lợi thế của bệ phóng tên lửa trên bộ, bao gồm khả năng sống sót cao hơn so với hệ thống đặt trên tàu, khả năng hiện diện liên tục ở các khu vực tranh chấp, và việc tấn công vào bệ phóng tên lửa trên bộ cũng đánh dấu bước leo thang đáng kể.

Dự án chung của Nhật và Mỹ ở Mageshima còn nhằm củng cố thế trận của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong bài viết cho trang War on the Rocks tháng 4/2021, hai tác giả Wallace Gregson và Jeffrey Hornung viết rằng Nhật Bản không còn là nơi an toàn cho lực lượng Mỹ nữa, vì Trung Quốc và Triều Tiên đã sở hữu năng lực tấn công tầm xa và công nghệ giám sát vệ tinh có thể đe dọa lực lượng của Mỹ và các đồng minh đồn trú ở khu vực.

Một phim tài liệu của ABC News cho thấy, nếu xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc đại lục với đảo Đài Loan, Bắc Kinh có thể tấn công tên lửa phủ đầu vào căn cứ quân sự ở Okinawa nhằm phá hủy không lực của Mỹ và Nhật Bản.

Dựa trên kịch bản đó, Gregson và Hornung cho rằng Mỹ phải củng cố khả năng đối phó khi bị tấn công, phân tán và phân chia lực lượng ra khu vực rộng hơn và nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa. Do đó, căn cứ ở Mageshima có thể là một bước hợp logic để đạt được mục tiêu đó.

Theo AT
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.