Nhận thức về biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp bình chân như vại

TPO - Nhận thức về biến đổi khí hậu được tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp nhưng tư duy “chưa đến lúc” và tâm lý “bình an” của DN vẫn còn rất lớn. Trên thực tế, không nhiều người biết được BĐKH nó đang và sẽ diễn biến thế nào, tác động ra sao…

Thông tin trên được ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết tại hội thảo “Tăng cường khả năng chống chịu của DN đối với rủi ro thiên tai và BĐKH” diễn ra hôm nay (23/12) tại Cần Thơ.

Theo ông Lam, BĐKH hiện là một cụm từ quá quen thuộc, bởi BĐKH đã và đang tác động ngày một rõ nét, đến nỗi những gì bất thường trong thời tiết thì gọi đó là BĐKH. “Tuy nhiên, trên thực tế, ít người hoặc không nhiều người biết được BĐKH nó đang và sẽ diễn biến như thế nào, tác động (tác hại) ra sao vì chúng không thể diễn ra ngay trước mắt” – ông Lam nói, đồng thời nhấn mạnh một điều chắc chắc rằng, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nhất của BĐKH và thường xảy ra thiên tai, trong đó ĐBSCL là vùng chịu nặng nề nhất.

Nhận thức về biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp bình chân như vại ảnh 1 Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: C.K

Điển hình là năm 2016, lịch sử xâm nhập mặn khi có đến 11/13 tỉnh ĐBSCL chịu thiệt hại, nước biển vào sâu trong đất liền hơn 40km, một điều không hề có trước đây, một vài tỉnh không còn nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt, ngành nuôi trồng thủy sản điêu đứng...  Giữa năm 2019 này, một trận ngập úng lớn nhất tại đô thị Cần Thơ đã nhấn chìm ½ trung tâm thành phố và nhiều tỉnh ĐBSCL đều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, về mặt nhận thức, tuy BĐKH đều được tuyên truyền đến cộng đồng DN nghe và hiểu. Nhưng thực tế do tư duy “chưa đến lúc” và tâm lý “bình an” của DN ĐBSCL vẫn còn rất lớn mặc dù không phải là hầu hết (các DN FDI thường quan tâm nhiều hơn DN trong nước), nên rất nhiều hoạt động, chương trình liên quan đến rủi ro thiên tai (RRTT) qua nhiều năm hay các dự án liên quan, các DN ít quan tâm và tham dự, làm cho quá trình hiểu, thích ứng hay chuẩn bị càng khó khăn hơn. Đây là điều hết sức lo ngại.

Hơn nữa, khi hình dung về BĐKH, thông thường giải pháp nghĩ ngay là chống lại sự biến đổi này, hiện nay nó đã lạc hậu, thay vào đó phải là sự thích ứng. Song, để tiến tới giải pháp, không chỉ thực hiện những điều to tát, mà cần những giải pháp nhỏ như giảm thiểu rác thải, giảm khí thải nhà kính, phân bố mật độ xây dựng, tính toán kỹ hơn khai thác nước ngầm, trồng rừng hộ phòng hiệu quả…

Nhận thức về biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp bình chân như vại ảnh 2 Đường phố Cần Thơ chìm trong nước ở đợt ngập lụt lịch sử hồi tháng 9/2019. Ảnh: C.K 

Dẫn báo cáo kết quả khảo sát 10.000 DN trên cả nước về thích ứng với BĐKH và RRTT, ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết rất nhiều DN cho rằng tác động của BĐKH và RRTT là tiêu cực; hơn 50% DN phản ánh BĐKH và RRTT gây gián đoạn sản xuất, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu.

Tuy nhiên, đa số DN mới có hoạt động ứng phó đơn giản như gia cố, sửa chữa nhà xưởng, điều chỉnh giờ làm việc…, 20% DN nâng cấp công nghệ sản xuất, khoảng 20% DN có nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu về thời tiết và khí tượng thủy văn; rất nhiều DN chưa đóng quỹ phòng chống thiên tai vì chưa biết tới quy định này hoặc chưa nhận được thông báo nào.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, các DN cần liên kết lại để thúc đẩy chính sách, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương có giải pháp, chứ không nên ngồi chờ và để mặc cho cơ quan nhà nước…  

Thông tin từ hội thảo cho biết, là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực châu Á, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của BĐKH. Thiệt hại do BĐKH có thể lên tới 5% GDP mỗi năm tại Việt Nam (tương đương 15 tỷ USD) và có thể gia tăng trong tương lai nếu các thiên tai, hiện tượng cực đoan của BĐKH diễn ra thường xuyên hơn và khả năng chống chịu, thích ứng với các rủi ro thiếu những cải thiện nhanh chóng và hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.