Nhận diện mỏ vàng 40 tỷ USD tại Việt Nam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Với tổng mức tiêu thụ thực phẩm, đồ uống trên thị trường nội địa đạt hơn 40 tỷ USD/năm, cộng thêm hàng chục tỷ USD xuất khẩu nông sản, chủ yếu dưới dạng thô, chế biến thực phẩm hiện được xem là lĩnh vực đầu tư vô cùng tiềm năng, ẩn chứa nhiều cơ hội “vàng”.

Số liệu dự báo của Bộ Công thương cũng cho thấy, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam vào năm 2016 sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người vào thời điểm đó vào khoảng 5,8 triệu đồng (tương đương 316 USD/năm). Dựa trên nghiên cứu thị trường của Nielsen và Euromonitor International, báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS còn đưa ra những số liệu khá hấp dẫn.

Cụ thể, trong năm 2013, Việt Nam sản xuất hơn 60 tỷ USD hàng thực phẩm và đồ uống, trong đó tiêu thụ trong nước gần 43 tỷ USD, xuất khẩu chiếm phần còn lại. Một số ngành đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD tại thị trường trong nước là mỳ gói, dầu ăn, sữa, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Nhu cầu tiêu dùng lớn, có xu hướng ngày càng tăng, nguồn nguyên liệu dồi dào, tỷ lệ hàng qua chế biến còn thấp.

Đây thực sự là cơ hội lớn cho ngành chế biến thực phẩm. Chỉ riêng trong lĩnh vực chế biến thịt lợn, theo khảo sát của Công ty Ausfeed, năm 2014, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, song cả nước mới có khoảng 20 công ty có nhà máy chế biến thịt với công nghệ hiện đại, tổng công suất chưa đến 200.000 tấn/năm. 

Tỷ lệ nhóm sản phẩm thịt chế biến mới chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt. Hay trong hoạt động xuất khẩu cá tra, dù kim ngạch xuất khẩu lên tới 1,8 tỷ USD nhưng chủ yếu là dạng phi lê (80%) hoặc nguyên con, cắt khúc, cắt khoanh (5%), sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Sao Mai, Công ty Ba Huân, Vissan, Dabaco, SG Food, Đức Việt… đã và đang chạy đua đầu tư theo chuỗi khép kín và đầu tư sâu vào công nghiệp chế biến thực phẩm. Sự bứt phá của các doanh nghiệp này đã giúp nhiều thương hiệu thực phẩm nội vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy vậy, phải thừa nhận một thực tế là, tỷ lệ sản phẩm chế biến còn quá thấp so với tổng dung lượng thị trường. Thêm vào đó, việc Cộng đồng chung ASEAN hình thành cuối năm nay, đồng nghĩa với việc hàng hóa nông sản thực phẩm của nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… được tự do vào Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thực phẩm tới đây.

Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam.

Những nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2015) đều có chung quan điểm rằng, với tiềm năng lớn, dư địa rộng và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, châu Âu…

Nếu được đầu tư, phát triển mạnh, thì ngành công nghiệp chế biến thực phẩm không chỉ đáp ứng được tối đa nhu cầu thị trường trong nước, nhất là nhu cầu thực phẩm chế biến ngành càng tăng cao, mà còn giúp nâng cao giá trị hàng xuất khẩu và cạnh tranh với thực phẩm nhập khẩu.

Và một khi doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ hải sản không chỉ ở mức 30 tỷ USD trong năm 2014, mà có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Tương tự, giá trị tiêu thụ thực phẩm, đồ uống trong nước cũng sẽ cao hơn nhiều so với con số trên 40 tỷ USD.

Theo Theo Báo Đầu tư
MỚI - NÓNG