Sự việc xảy ra vào tháng 12/2012, khi Sergio Rodriguez (26 tuổi) và bạn gái Jennifer Coleman (23 tuổi) đã sử dụng đèn laser để chiếu vào buồng lái của một chiếc máy bay. Đáng chú ý, đèn chiếu mà Sergio Rodriguez và Jennifer Coleman sử dụng mạnh gấp 13 lần mức cho phép đối với thiết bị laser.
“Cố ý chĩa tia laser vào máy bay là hành động phạm tội, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về an toàn bay”, Giám đốc Cục Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) Michael Huerta nói: “Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan thực thi pháp luật và các văn phòng luật sư Mỹ đã nỗ lực chống lại những vấn đề có tính đặc biệt nghiêm trọng này”.
Theo thống kê của FAA, chỉ tính riêng trong năm 2015, đã có hơn 3.700 sự cố sân bay ở Mỹ được báo cáo liên quan đến laser.
Sergio Rodriguez đã bị một tòa án Liên bang kết án 14 năm tù giam, trong khi Jennifer Coleman bị phạt 5 năm tù và bị phạt 250.000USD trong phiên tòa diễn ra vào tháng 12/2013.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sergio Rodriguez vẫn là trường hợp bị kết án có thời gian ngồi tù dài nhất bởi hành vi chiếu laser lên máy bay đang bay.
Gần đây nhất, tháng 6/2015, một người đàn ông Mỹ, tên Michael Brandon Smith cũng đã bị kết án 2 tháng quản thúc tại nhà và 2 năm quản chế, khi dùng đèn chiếu laser chiếu vào một chiếc trực thăng khiến phi công tạm thời mất phương hướng.
Quá trình điều tra xác định, Michael Brandon Smith, khi đó tay trái cầm chai bia, tay phải cầm chiếc đèn laser chiếu vào chiếc trực thăng đang bay trên đầu. Chỉ ít phút sau, cảnh sát đã tới gõ cửa nhà ông.
Chiếc máy bay mà Smith hướng tới là trực thăng giao thông và theo lời khai của phi công, sau khi bị Smith chiếu đèn, phi công tạm thời mất phương hướng.
Nguy cơ tiềm ẩn
Sergio Rodriguez và Michael Brandon Smith là hai trong số hàng ngàn trường hợp, hoặc cố tình, hoặc vô ý đã sử dụng đèn laser chiếu lên các máy bay, thiết bị bay dân dụng và an ninh.
Tuy chưa có một tai nạn hàng không nào ở Mỹ xảy ra do những tác động của đèn laser, nhưng các kết quả điều tra cho thấy, laser ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe phi công.
Tính đến nay, đã có 35 phi công Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp chăm sóc y tế đặc biệt sau khi máy bay do phi công điều khiển gặp sự cố đối với đèn chiếu laser.
Theo FFA, đối với các hoạt động hàng không, bên cạnh việc khiến phi công mất tập trung và xao lãng khi thực hiện hành vi cất – hạ cánh, thì laser có thể gây mù lòa cho phi công.
Bởi lẽ, leser có thể là “ánh sáng yếu” dưới mặt đất, nhưng khi chiếu vào buồng lái máy bay, thứ ánh sáng này được khuyếch đại lên rất nhiều bởi loại kính hữu cơ của buồng lái. Qua đó khiến khả năng quan sát của phi công ảnh hưởng đáng kể bởi những lóe sáng mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ ví là “ánh đèn flash trong buồng tối”.
Ngoài ra, đèn laser với cường độ mạnh có khả năng làm tổn thương võng mạc hoặc thậm chí là gây mù mắt.
Nhận thức rất rõ nguy cơ đối với các hệ thống đèn laser, FFA đã cung cấp một số hướng dẫn cho phi công Mỹ khi đối diện với tình huống này.
Một số cơ quan đảm bảo an ninh hàng không Mỹ cũng cung cấp kính chuyên dụng chống laser cho phi công. Tuy nhiên, loại kính này không thường được phi công sử dụng vì làm thay đổi cả các tín hiệu trong buồng lái.