Nham nhở vỉa hè ngày cận Tết

Đào đường trên phố Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Đào đường trên phố Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
TP - Chỉ còn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán Canh Tý, tuy nhiên vỉa hè Hà Nội nhiều nơi vẫn đang ngổn ngang thi công.

Theo Sở GTVT Hà Nội, năm 2019 sở này đã xử phạt các đơn vị thi công 1,5 tỷ đồng sai phạm liên quan đến đào lòng đường, vỉa hè. Đồng thời yêu cầu các đơn vị đang thi công đào đường hoàn công trước ngày 10/1/2020, chấm dứt tình trạng đào xới đường phố ngày giáp Tết.

Hiện tại, trên các tuyến phố tại Hà Nội như: Thái Hà (quận Đống Đa), Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm)… đang bị đào xới để thảm lại mặt đường. Một số tuyến khác cũng đồng loạt hạ ngầm hệ thống điện, viễn thông và lát đá.

Điều người dân băn khoăn là cứ đến dịp cuối năm thì việc lát đá vỉa hè, đào đường hạ ngầm lại được thực hiện. Thời điểm này vào năm 2018, nhiều tuyến vỉa hè cũng được lật lên thay lại. Điều này góp phần làm đường phố Hà Nội dịp cuối năm thêm ùn tắc.

Chấm dứt đào đường trước Tết 15 ngày

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sở này là đơn vị quản lý, cấp phép cho các công trình hạ ngầm, đảm bảo về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, tiến hành vào thời điểm nào thì do Sở GTVT cấp phép. Lúc đó, Sở Xây dựng đôn đốc, giám sát để việc thi công, hoàn trả mặt bằng được đảm bảo.

Được biết, trong 3 tháng cuối năm 2019, Sở GTVT Hà Nội đã cấp 75 giấy phép cho các đơn vị thi công lát lại vỉa hè, hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến phố... Tuy nhiên, việc thi công kéo dài, vật liệu phế thải không thu dọn kịp đã gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông...

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông phải được xây dựng từ quý I hàng năm. Các sở ban ngành duyệt xong dự án, đề án và duyệt xong cả kinh phí, phân bổ kinh phí cho các ngành ngay từ giữa năm.

Thế nhưng cứ đến cuối năm, Sở GTVT Hà Nội mới công bố hàng loạt các công trình, dự án cải tạo sửa chữa; đây là điều mà người dân thấy hết sức bức xúc. “Bất cập này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, phải làm gấp thì chất lượng không đảm bảo do sự vội vàng trong quá trình thi công. Có thể ảnh hưởng đến giá thành, chất lượng công trình. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công...”, ông Liên nói.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2019 đơn vị đã phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra xử lý 252 trường hợp vi phạm liên quan đến thi công đường, phạt đến 1,5 tỷ đồng. Cùng các biện pháp như đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép các trường hợp sai phạm, vi phạm.

Sở cũng sẽ xem xét việc cấp phép thi công công trình tiếp theo trên cơ sở chất lượng công trình đã thi công trước cùng với việc tuân thủ quy định về việc xin ý kiến các cơ quan liên quan ở bước lập, phê duyệt dự án. Một giải pháp khác đang được Sở GTVT tính tới là yêu cầu nhà thầu thi công đào hè, đường phải nộp bảo lãnh bảo hành của hạng mục hoàn trả hè, đường trong hồ sơ xin cấp phép và chỉ được rút tiền bảo lãnh khi có xác nhận hết bảo hành của các đơn vị chức năng.

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đang thi công trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố nhanh chóng hoàn thành các công việc và hoàn trả mặt đường trước ngày 10/1/2020.

Đối với các công trình đào hè, đào đường như cấp nước, thoát nước, hạ ngầm điện lực, viễn thông, đề nghị các chủ đầu tư giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng và chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc.

Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh các công trình đã thi công xong (còn trong thời gian bảo hành) phải thường xuyên rà soát kiểm tra, xử lý hiện tượng lún sụt, các vệt rạn nứt trên mặt đường cũ, đồng thời, bù lún phần mặt đường mới theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông.

MỚI - NÓNG