Nổi nhất có lẽ là vụ Sơn Tùng. Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kết luận: ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của ca sĩ Sơn Tùng là “một tác phẩm đạo nhạc đầy tính toán theo công nghệ mới”. Ông Vũ Ngọc Hoan - Cục phó Cục Bản quyền thì cho biết, cần chờ tác giả bên Hàn Quốc nêu ý kiến chính thức. Khi đó, nếu tác giả phía Hàn Quốc có đơn khởi kiện chắc chắn Sơn Tùng sẽ phải bồi thường về kinh tế, thậm chí có thể phải hầu tòa vì đã vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Tôn trọng bản quyền là biểu hiện của xã hội văn minh, của những người có lòng tự trọng nghề nghiệp, không đánh cắp công sức sáng tạo của người khác. Những tưởng điều này bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật đều phải nằm lòng, nhưng không phải. Nhiếp ảnh gia Đỗ Hữu Tuấn từ Bình Thuận bức xúc lên tiếng tố cáo, bức ảnh “Sắc phục Chăm” của anh đã bị ông Bùi Vy Vân - chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh Bình Dương - cắt cúp để tạo nên một bức ảnh khác đặt tên “Ruminant” (cái tên rất có tính dự báo(?!) bởi ngoài nghĩa “Tư lự, trầm ngâm”; nó còn có ý nghĩa “Động vật nhai lại. Loài nhai lại”. Tác phẩm nhai lại này được gửi tham dự cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế ISF 2014. Chỉ cần nhìn hai bức ảnh thì thấy ngay là “đạo” 100%. Mà với bức ảnh này, Đỗ Hữu Tuấn đã đoạt một số giải thưởng và triển lãm nhiều nơi. Khi được hỏi về nguồn gốc bức ảnh nhai lại, ông Vân cho hay: “Tôi thấy bức ảnh đó trên mạng đẹp thì lấy thôi... Với lại, tôi cũng nghĩ nếu chỉ gửi bức ảnh đó dự thi ở các cuộc thi quốc tế thì cũng... không ảnh hưởng gì (!).
Được biết, ngoài cuộc thi ISF 2014, ông Bùi Vy Vân còn gửi bức ảnh này cho nhiều cuộc thi ảnh, triển lãm quốc tế khác. Những người có trách nhiệm đã phải thông báo sự việc cho ban tổ chức cuộc thi ISF 2014 bên Pháp để loại bức ảnh.
Mẫu số chung cho những sự kiện trên là: không chỉ là tranh chấp trong nước, ở đây có yếu tố “ngoại”. Và, không nói thì ai cũng biết, danh dự của nghệ sỹ Việt Nam và cao hơn nữa, của nghệ thuật Việt đã bị hoen ố lây.