Đạo nhạc kiểu mới

“Tương tư” của FB Boiz dễ dàng thuyết phục được Hội đồng Thẩm định Bài hát Việt nếu không dính phốt đạo beat. Ảnh: baihatviet.vtv.vn.
“Tương tư” của FB Boiz dễ dàng thuyết phục được Hội đồng Thẩm định Bài hát Việt nếu không dính phốt đạo beat. Ảnh: baihatviet.vtv.vn.
TP - Đạo nhạc theo kiểu lấy giai điệu của người khác viết lời mình vào, có khả năng làm người đạo thân bại danh liệt nếu bị phát giác, là chuyện xa xưa. Giờ đây hình thức mới-đạo nhạc đệm, tính ứng dụng cao hơn hẳn mà khi bị cáo buộc, đối tượng với sự hậu thuẫn của ê-kip vẫn cãi được.

Sơn Tùng MTP là trường hợp lạ lùng thời gian gần đây. Nổi tiếng khi mới 18 tuổi chỉ bằng vài bài hát tung lên mạng và ngay từ lần đầu xuất hiện trên sân khấu Bài hát Yêu thích đã gây bão. Sau đó, mặc định bài nào của Tùng ra cũng trở thành hit. Tùng bắt đầu trở thành người mẫu quảng cáo cho một số nhãn hàng.

Lối tắt thành sao

Tốc độ thành công của Sơn Tùng có thể được lý giải: Gần như là ca sĩ Việt Nam đầu tiên xây dựng hình ảnh y chang Hàn Quốc- đáp ứng cơn mê Hàn của một bộ phận giới trẻ. Bên cạnh đó, khán giả trẻ có xu hướng dễ đồng cảm với các “thần tượng” cùng lứa tuổi. Rất tiếc là sự bắt chước Hàn Quốc của Sơn Tùng không dừng ở phục sức. Chỉ mới tung mấy bài, bài nào của Tùng cũng mang tiếng đạo nhạc. Wikipedia còn nguyên bản thống kê bài nào của Sơn Tùng “đạo nhạc” bài nào của Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Trước khi Chắc ai đó sẽ về bị một hội đồng các nhạc sĩ có uy tín khẳng định là đạo nhạc và đề nghị “cấm lưu hành”, lần lượt các bài của Sơn Tùng bị gỡ khỏi bảng xếp hạng Bài hát Yêu thích, tên bị xóa khỏi đề cử giải Làn Sóng Xanh. Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng tuyên bố dừng hợp tác với Sơn Tùng trong vai trò cố vấn chuyên môn, trong khi Sơn Tùng và công ty quản lý cũng nảy sinh mâu thuẫn dẫn về hợp đồng. Có vẻ như “số phận” không thể mỉm cười mãi với các chuyên gia vay mượn.

Nhóm FB Boiz hội tụ các giọng ca thành danh từ các cuộc thi hát truyền hình thực tế mới đây cũng bị Hội đồng Thẩm định Bài hát Việt tước giải Bài hát của tháng vì sáng tác cũng kiểu Sơn Tùng: Viết bài hát trên nền giai điệu có sẵn của một bài nhạc Hàn. Cách làm này có thể được miêu tả như sau: Người thực hiện ứng tác một giai điệu trên nền nhạc đệm (tức beat) của một bài đã có trước đó, rồi viết lời của mình vào. Việc này tạo ra một bài hát có cấu trúc y như bài hát gốc cùng nhiều chỗ trùng lặp về giai điệu.

Theo nhạc sĩ Thanh Phương, cấm đoán không phải nền tảng vững chắc và chẳng đi đến đâu, khi hết người này đến người khác vi phạm: “Tóm lại làm nhạc tự trọng tí là được. Còn người nọ học người kia là đương nhiên”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo, thành viên Hội đồng Thẩm định Bài hát Việt, nói rõ: “Khi anh A lấy cả beat và giai điệu của anh B, một phần hay toàn bộ, sau đó có sửa đổi hay không sửa đổi, thì mọi người quen gọi đó là đạo nhạc. Nhưng nếu anh A chỉ lấy nhạc đệm của anh B cho tác phẩm của mình thì người ta có thể vớt vát rằng anh A chỉ ‘đạo beat’ thôi. Đó là cách nói cho nhẹ nhàng ở Việt Nam, bởi người Việt vốn ưa nghe phần hát, nghe giai điệu, mà ít chú trọng nghe nhạc đệm. Trong khi với một số dòng nhạc điện tử, beat đóng vai trò hàng đầu để thu hút người nghe.”

Cách “sáng tác” này lập tức cho ra những sản phẩm cùng khuôn với các bài hát thời thượng của nước ngoài, do đó dễ dàng chiếm lĩnh các tai nghe dễ dãi. Có ý kiến cho rằng đây là một cách đạo nhạc kiểu mới, tinh vi hơn trước.

“Tôi nghĩ đây là hành động khờ khạo lộ liễu. Tinh vi thì đời nào để cả xã hội phát hiện như vậy. Các bạn nghe nhạc trong phạm vi quá nhỏ hẹp và cứ nghĩ mỗi mình mình biết cái bài đó nên hồn nhiên bê nguyên si beat của người khác”- nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nghi ngại. “Còn về khả năng biết hậu quả nhưng cố tình tạo sóng gió để càng nhiều người bàn tán khiến bài hát càng nổi tiếng cũng là điều tôi luôn nghĩ đến”.

Tìm đâu tự trọng?

Quả thực việc nghệ sĩ làm thế nào để có tác phẩm không nằm trong phạm vi quan tâm của khán giả. Những bài hát tai tiếng của Sơn Tùng hay FB Boiz vẫn đạt được những lượt nghe/xem khủng trên mạng. Nhưng ngay cả những con số đó cũng có thể được điều chỉnh (hack) bởi bên thứ ba. Trong tình trạng rối loạn giá trị như như thế, tiếng nói của giới chuyên môn là cần thiết.

Mới đây, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã ra công văn đề nghị Cục Bản quyền có biện pháp cấm lưu hành bài Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng. Động thái này nảy sinh do việc công ty hợp tác sản xuất bài hát này muốn phát hành nó trong một bộ phim. Tuy nhiên, trong khi bên bị hại là nhóm nhạc Hàn Quốc bị Sơn Tùng đạo beat vẫn chưa lên tiếng (chỉ có fan của nhóm nhạc này là chỉ trích và kêu gọi tẩy chay Sơn Tùng), Cục Bản quyền vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Và bộ phim nọ đành hoãn công chiếu.

Trước nay, không ít ca khúc Việt Nam của các nhạc sĩ đang nổi tiếng khi vang lên gợi cảm giác na ná bài nước ngoài nào đó. Rất có thể cách “đạo beat” cũng từng được áp dụng với các bài hát này. Chẳng qua giờ đây, khi nhạc Hàn quá phổ biến, các thủ phạm đạo beat mới bị tóm dính. Trường hợp Tương tư của FB Boiz cũng do khán giả phát hiện hộ BTC.

Nhà sản xuất, nhạc sĩ Thanh Phương: “Ngoài chuyện tuân thủ pháp luật, bây giờ bảo tôi đi lấy (nhạc) thì tự nhiên thấy rất khó, làm sao mà mình đi lấy của người ta được! Nhưng với những người dạo này hay nổi tiếng lấy một cách rất bình thường, còn cãi cham chảm thì làm sao mà... Ít nhất trên 50% phải là người tử tế đã, thì mới nói chuyện trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc được”.

MỚI - NÓNG