Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền'

TPO - Thường chọn đề tài khó trong sáng tác như người chiến sĩ công an, người bộ đội Cụ Hồ, thương binh liệt sĩ, y bác sĩ... nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng thú nhận anh thường không có thu nhập. "Tôi không kiếm được tiền chục, tiền trăm triệu đồng như các nhạc sĩ viết các dòng nhạc khác, nhưng tôi thấy hạnh phúc, chỉ cần vậy là đủ rồi", anh nói. 

Thầy tôi - sáng tác mới của nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng về cố PGS - Viện sĩ - Bác sĩ, NGND Tôn Thất Bách đã gây xúc động với các thế hệ y bác sĩ, đặc biệt là những thế hệ học trò của ông.

Thầy tôi cũng là lời tri ân dành cho các thế hệ y bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của Tiền Phong với nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng trước khi ca khúc Thầy tôi được ra mắt:

- Anh có thể chia sẻ cơ duyên viết ca khúc Thầy tôi?

- Trong một dịp tình cờ, tôi có duyên gặp gỡ một bác sĩ, sau này tôi mới biết anh ấy là học trò của cố PGS - Viện sĩ - Bác sĩ, NGND Tôn Thất Bách. Trong một lần trò chuyện, anh ấy đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện đặc biệt và thú vị về thầy. Bên cạnh đó, anh ấy cũng cung cấp cho tôi nhiều bài báo, tư liệu về thầy.

Những câu chuyện tôi được nghe về thầy Bách cứ cuộn mãi trong tâm trí. Tôi hình thành nhiều suy nghĩ và cố gắng liên kết lại để viết một bài hát thật đơn sơ, tình cảm nhất có thể. Chính những câu chuyện xúc động từ vị bác sĩ kể trên là động lực, cơ duyên để tôi viết nên ca khúc Thầy tôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 2

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng.

Tôi viết ca khúc ‘Thầy tôi’ trong 30 phút

- Ấn tượng đặc biệt nào về bác sĩ, NGNDTôn Thất Bách thôi thúc anh viết ca khúc này?

- Tôi biết thầy Tôn Thất Tùng, thầy Tôn Thất Bách thông qua báo chí và những thành tựu Y khoa của 2 thầy, tuy nhiên thông tin của tôi về thầy Bách cũng chỉ ở mức độ đại chúng. Chỉ đến khi nghe chuyện thầy chăm lo cho các thế hệ sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên đi trực và có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống cùng nhiều câu chuyện khác từ chính học trò của thầy, tôi mới có thêm nhiều hình dung về thầy.

Sự tận tâm của thầy khiến tôi xúc động và cảm thấy thầy vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo vừa là người cha (thầy như cha theo cách gọi của người miền Bắc). Do đó, tên bài hát Thầy tôi cũng bao hàm cả 3 lớp nghĩa như vậy.

- Anh sáng tác ca khúc này trong bao lâu?

- Tôi viết bài này rất nhanh, khoảng hơn 30 phút thôi. Đối với những ca khúc mà ý tưởng, chủ đề đã sắp xếp xong trong đầu thì việc sáng tác chỉ còn là hiện thực thành nốt nhạc.

Tôi không gặp khó khăn gì khi sáng tác ca khúc Thầy tôi nhưng tôi lo lắng nhiều. Bao giờ viết nhạc tôi cũng mong viết những điều hay nhất nhưng cũng muốn diễn giải bằng những ca từ đời thường nhất, tuy nhiên đây là ca khúc đầu tiên tôi viết về ngành Y và về cụ thể một nhân vật kiệt xuất của ngành Y là thầy Tôn Thất Bách nên tôi sợ sự hiểu biết ít ỏi của tôi về thầy, về ngành sẽ không chạm được vào cảm xúc của các y bác sĩ và thế hệ học trò của thầy.

Rất may, khi bài hát hình thành, tôi nhận được sự đồng cảm của các y bác sĩ, thậm chí là những giọt nước mắt xúc động, những lời chia sẻ từ đáy lòng của họ, đó là điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc.

- Với tâm huyết khi sáng tác, anh tin tưởng giao ca khúc này cho ai thể hiện?

- NSƯT Hoàng Tùng là người thể hiện ca khúc này, rất duyên khi tôi và vị bác sĩ kể trên lại cùng biết nhau và đã từng ngồi trò chuyện. Cả ba đều ấp ủ và cảm nhận được sự hình thành của ca khúc này.

NSƯT Hoàng Tùng cũng là người chia sẻ, hướng dẫn cho tôi như một người thầy, đàn anh trong nghề. Ngoài ra, anh ấy còn cùng gia đình ủng hộ, giúp đỡ tôi trong việc giới thiệu bài hát đến công chúng một cách chỉn chu và chuyên nghiệp.

Mặc dù mới quen biết trong khoảng 6 tháng, NSƯT Hoàng Tùng đã hát của tôi 3 ca khúc, ngoài bài Thầy tôi là 2 ca khúc: Biên cương hùng vĩ viết về đề tài người chiến sĩ bộ đội Biên Phòng sẽ được giới thiệu trong tháng 3 này và Tổ khúc sứ mệnh vinh quang - Chào mừng 50 năm ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát Cơ động.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 3

Từ trái qua: Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng, nhạc sĩ phối khí Dương Đức Thuỵ và NSƯT Hoàng Tùng.

‘Thầy Tôn Thất Bách còn sống mãi về sau’

- Thông điệp mà anh muốn gửi qua ca khúc Thầy tôi?

- Khi viết bài hát này, tôi đã giả tưởng mình là học trò của thầy. Tôi tưởng tượng tôi là sinh viên ở quê nghèo lên thủ đô đi học. Tôi tưởng tượng mình đứng giữa lòng của Hà Nội hơn 25 năm về trước – dẫu thành phố lúc ấy chưa giàu đẹp bằng bây giờ nhưng chắc chắn so với cuộc sống, khung cảnh của người học trò ở quê lên, Hà Nội vẫn rất tráng lệ và choáng ngợp.

Thầy cô luôn công bằng với mọi học trò, nhưng nếu mình nghèo quá, đói khổ quá, mang bụng đói đi học thì vất vả và thiệt thòi nhiều. Nhưng rồi tôi và những thế hệ học trò khác được thầy giúp đỡ, tạo điều kiện cho đi trực đêm để có thêm thu nhập, trang trải bữa ăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục ước mơ của mình. Tôi đã tưởng tượng như thế và tôi đã viết: “Nhớ mãi dáng thầy tôi, người dẫn lối tôi vào đời, nâng cánh ước mơ, mai sau làm Bác sĩ, nghề thiêng liêng, vinh quang và cao quý”…

Tôi tự nhủ rằng, dẫu một người đã qua đời nhưng chỉ đến khi nào không còn ai nhớ đến họ nữa thì họ mới thực sự chết. Vì vậy, tôi đã viết: “Thầy còn sống mãi, tri thức vẫn còn hoài, dẫn soi cho thế hệ tương lai”… Với tôi và nhiều thế hệ học trò, các y bác sĩ hay người dân, thầy Bách vẫn còn sống và còn sống mãi về sau.

Tôi muốn thông qua bài hát, các thế hệ học trò của thầy Tùng, thầy Bách có một giai điệu nằm lòng, lấy đó làm chất xúc tác gợi lại những kỷ niệm và kính nhớ đến thầy.

Tôi cũng muốn mọi người ở những ngành nghề khác luôn nhớ ơn đến người thầy của mình, kể cả những người đã giúp đỡ mình. Sự giúp đỡ đưa ta vượt qua khó khăn, mang lại hạnh phúc… Vậy ta cũng hãy giúp đỡ mọi người, sẻ chia những điều mình có với những người khó khăn hơn, cuộc sống sẽ đẹp biết nhường nào.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 4

Hình ảnh tư liệu về cố PGS - Viện sĩ - Bác sĩ, NGND Tôn Thất Bách.

- Có thể thấy, anh thường tiếp cận những đề tài khó trong sáng tác như người chiến sĩ công an, người bộ đội Cụ Hồ, thương binh liệt sĩ, giờ là y bác sĩ?

- Tôi thường viết về đề tài công an, quân đội, về mẹ và đất nước. Ngày nay, không có nhiều tác giả trẻ viết về đề tài này nhưng không sao cả, mỗi tác giả có vai trò và sự đóng góp nhất định cho âm nhạc của đất nước.

Tôi viết về những đề tài nêu trên bằng sự thúc giục từ bên trong mình, bằng sự đam mê mà tôi luôn bị cuốn hút, do đó tôi không thấy khó, cũng không cảm thấy mệt mỏi.

Tôi luôn lạc quan và hạnh phúc khi được viết những bài hát ý nghĩa cho cuộc sống, còn điều gì hạnh phúc hơn đối với người tác giả khi thấy người khác rơi lệ đồng cảm với ca từ, giai điệu do mình viết nên.

Tôi đã viết nhạc trẻ và những bài hát đó cũng rất phổ biến. Có điều, tôi không chọn cách viết mà là bỗng nhiên tôi như thế, tôi không tính toán gì về đường đi nước bước của mình. Tôi để trái tim tự nhiên rung động, lòng tôi nghĩ về điều gì thì tôi viết về điều ấy mà thôi.

Hiện tại, tôi chỉ muốn viết về lịch sử, về những con người đã thầm lặng đóng góp cho đất nước. Thật sự khi tôi nghĩ đến những liệt sĩ hy sinh vì đất nước nhưng đến nay vẫn chưa tìm được di cốt, cơ thể tôi lại nóng ran lên, tôi lại muốn ngồi ngay vào đàn để viết những bài ca về họ.

Thậm chí, tôi tưởng tượng mình đang nằm dưới đáy sông, trên rừng sâu… Viết về những đề tài này đã là nghiệp của tôi rồi, tôi hạnh phúc với những điều đang làm và tôi sẽ tiếp tục làm bằng sự nghiêm túc như thể đó là sứ mệnh thiêng liêng mà tôi được giao phó.

Tôi không viết nhạc vì tiền

- Sáng tác một ca khúc đã khó, làm sao để nó được nhiều khán giả yêu mến, tiếp cận còn khó hơn. Anh có trăn trở tìm đầu ra cho ca khúc của mình hay sáng tác chỉ để thỏa mãn đam mê?

- Tôi thực sự chỉ là một người kể chuyện bằng âm nhạc, tôi không tính toán nhiều đến vấn đề đó. Có nhiều nhạc sĩ rất giỏi, họ viết hay và cũng có nhiều kiến thức về truyền thông, marketing để bài hát của họ lan tỏa rộng rãi.

Tôi viết nhạc về những đề tài trên thì không có thu nhập, không kiếm được tiền chục, tiền trăm triệu đồng như các nhạc sĩ viết các dòng nhạc khác, nhưng tôi thấy hạnh phúc, chỉ cần vậy là đủ rồi.

Tôi không chỉ viết vì đam mê mà còn viết vì sự trăn trở, vì trách nhiệm của một người làm nghệ thuật đối với những người có công với đất nước. Nếu ai cũng viết nhạc tình yêu, rồi mai sau ai sẽ ca ngợi người bác sĩ, người giáo viên, người chiến sĩ. Ai sẽ ca ngợi những người lao công quét đường, những người thầm lặng sau những bình yên của đất nước…

Tôi cũng vất vả kiếm sống bằng các công việc khác nhưng khi có tiền tôi lại bắt tay vào làm âm nhạc, dẫu khó khăn nhưng vợ tôi và gia đình luôn ủng hộ. Bất kể giây phút nào tôi suy tư với âm nhạc, vợ tôi đều dành cho tôi sự tôn trọng và ủng hộ, tâm tôi được bình lặng, thảnh thơi, tôi được tha hồ tưởng tượng và bay nhảy trong thế giới âm nhạc của riêng tôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 5

- Anh có thể chia sẻ dự định sắp tới của mình?

- Trong những năm tới, đất nước ta có nhiều sự kiện, kỷ niệm dấu mốc lịch sử trọng đại, tôi sẽ viết một số ca khúc để chào mừng. Ngoài ra, tôi cũng tiếp tục viết những bài hát về các bác sĩ, các lực lượng quân đội, công an và các đề tài ý nghĩa khác. Tôi mong mình có sức khỏe và tinh thần tốt để viết thêm nhiều bài hát nữa.

Bản nhạc gốc Thầy tôi được tác giả Nguyễn Bá Hùng trao tặng lại cho các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức – nơi mà PGS. bác sĩ Tôn Thất Bách đã công tác trong những năm cuối trong sự nghiệp y học của mình.

Tiến sĩ – Bác sĩ Dương Đức Hùng – Giám đốc bệnh viện Việt Đức đã rất xúc động và đặt bản nhạc ở vị trí trang trọng ngay dưới bức ảnh của cố PGS. BS Tôn Thất Bách.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng: 'Tôi không viết nhạc vì tiền' ảnh 6

“Khi nghe bài hát Thầy tôi, tôi rất xúc động và biết ơn các nghệ sĩ như đã nói hộ tiếng lòng của chúng tôi. Tôn Thất Bách là một người thầy tuyệt vời. Tôi luôn cảm thấy may mắn khi được học hỏi từ ông. Ông đã mang lại niềm tin, sự khích lệ và kiến thức sâu sắc cho tôi cũng như các thế hệ học trò. Tôn Thất Bách không chỉ là một người thầy giáo tài năng mà còn là một người rất tận tâm và nhân ái. Tôi luôn biết mình sẽ không bao giờ quên lòng tận tâm và sự hỗ trợ mà ông dành cho chúng tôi. Tôi rất biết ơn và tự hào vì đã có cơ hội được làm học trò của ông”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ.

Tin liên quan