Nhà văn đạp xe xuyên Việt - Bài cuối: Nhà văn không im lặng

Cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng ở Vũng Áng
Cùng nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng ở Vũng Áng
TP - Tôi đọc bức thư ngỏ khá dài của Phạm Ngọc Tiến gửi các nhà văn mà anh viết ngay trên đường xuyên Việt, đọc để đau, đọc để xấu hổ…

Nhà văn không im lặng

“Không hiểu sao cứ những lúc cuộc sống có biến cố xảy ra, bao giờ tôi cũng nghĩ đến các nhà văn trước tiên. Chẳng hạn một đám cháy lớn. Một đám cháy, lẽ ra cần phải huy động cứu hỏa và họ chính là người tất cả cần nhất trong tình huống đó. Nhưng không, cứu hỏa đến với đám cháy là việc tất nhiên. Họ sẽ sử dụng chuyên môn của họ dập tắt đám cháy. Một việc quá đỗi bình thường. Còn các nhà văn thì tôi nghĩ nếu họ gặp đám cháy ấy họ sẽ làm gì?

Vâng, nếu gặp một đám cháy thì các nhà văn sẽ làm gì? Câu hỏi ấy cứ xoay đi trở lại nhiều lần trong tôi. Sứ mạng của họ không phải để dập lửa. Luận theo lô gích thông thường, họ sẽ quan sát đám cháy, suy nghĩ rồi miêu tả nó. Những hậu quả. Bài học rút ra từ rất nhiều góc độ. Thậm chí là họ diễn giải tâm lý đám cháy trong nhiều chiều. Tất nhiên điều này có ích cho không chỉ nhà văn. Nhưng tôi biết sẽ có không ít nhà văn bình thản đứng nhìn đám cháy và lặng lẽ bước đi. Cái đám cháy ấy hoặc không đủ để tác động đến cảm xúc của họ hoặc nó chẳng liên quan gì. Tóm lại là họ bước qua đám cháy bằng sự im lặng. Một sự im lặng được gọi theo cách rất cũ kỹ ấy là vô cảm. Sự vô cảm cố hữu của đám đông trước những gì bất thường xảy ra của đời sống vốn đã không còn là sự lạ ở ngày hôm nay”.

Bức thư khá dài, nhưng tôi nghĩ nó cũng còn ngắn với những ai ít quan tâm tới những tiếng kêu thật lòng này. Không phải nhà văn Phạm Ngọc Tiến “lấy giọng” để mưu cầu bất cứ điều gì. Đây là những điều không nói ra không được. Không nói ra thì ấm ức, thì lợn cợn như mắc cái xương trong cổ họng. Có phải, chúng ta đôi khi vẫn bước qua những đám cháy (không phải cháy nhà mình) theo kiểu im lặng vô cảm như thế. Nhưng thử nghĩ, nếu một ngày, nhà chúng ta bị cháy, thì sao? Phạm Ngọc Tiến đã lấy thí dụ về những nhà văn Việt Nam tham gia chiến tranh và viết những tác phẩm từ chiến tranh:

“Thế hệ những nhà văn tham gia chiến tranh, họ là những người lính thực thụ và tác phẩm của họ xuất hiện trong tâm thế của người trong cuộc. Đọc tác phẩm viết về chiến tranh nếu của một ai đó không trong cuộc sẽ thấy sự hời hợt giả tạo. Ở chiều ngược lại, những trang viết khét lẹt khói súng, ta sẽ nhận được sự thuyết phục, chia sẻ và cảm nhận nhiều điều của chiến tranh mang tới để thấy được cái giá của hòa bình lớn lao mức nào và chiến tranh tàn khốc ra sao. Để rồi nhận chân giá trị sự sống và vì thế thêm yêu cuộc đời mà ta may mắn có mặt.

Tôi nói những điều trên từ đúc kết của chính mình. Những trang văn của các thế hệ đàn anh đã giúp cho tôi những hiểu biết về đời sống về chiến cuộc về chân lý và lớn hơn là một tình yêu cuộc sống. Có lẽ tôi trở thành nhà văn phần nhiều cũng là nhờ ở điều này. Và tôi nhận thức được rằng, chẳng có sứ mạng to tát nào dành cho nhà văn cả. Giản đơn chỉ là anh hãy sống và viết từ chính thu nhận đời sống. Vậy thôi. Hãy là người trong cuộc”.

Bây giờ thì nhà văn trung thực nào cũng hiểu, thật không dễ dàng để là “người trong cuộc”. Bởi ít nhiều phải trả giá. Như anh tài xế xe tải Phan Văn Bắc, anh đâu có muốn tự nhiên một chiếc xe khách đâm sầm vào đuôi xe mình để mình được nổi tiếng, được nhận bao nhiêu là phần thưởng. Vì anh đã phải gồng gánh cả hai chiếc xe xuống tận chân đèo trong vô vàn hiểm nguy. Cú “gồng gánh” bất đắc dĩ ấy đã cứu mạng cho 37 người. Không có phần thưởng nào lớn hơn sự sống. Dù người ta có nói thế nào, thì anh Bắc và chiếc xe tải của anh đã cứu mạng cho rất nhiều hành khách. Giả thử, bỏ anh Bắc ra, thì chiếc xe tải chỉ còn là một… tảng đá, bất động. Nếu chiếc xe khách kia đâm vào tảng đá ấy, và cầu mong tảng đá dìu chiếc xe mình xuống tận chân đèo, liệu có được? Vì sao người ta có thể bàn tán một cách vô cảm về sinh mạng của 37 người, chỉ nhớ những phần thưởng anh Bắc được nhận, mà quên đi sự sống của bao nhiêu con người có thể bị tước đoạt trong tức khắc như thế nhỉ? Anh Phan Văn Bắc đã không vô tình “bước qua đám cháy”. Anh đã chịu đựng đám cháy, và tìm được sự an bình cho những người suýt bị chết cháy. Rồi sau đó, bản thân anh chưa chắc đã bình an trong lòng.

Đây không còn là sự im lặng của giới nhà văn. Đây là sự im lặng mà nếu chúng ta không nói lên, nó sẽ mang tầm toàn xã hội. Tôi đang chờ xã hội kết luận về vụ tai nạn xe khách và chiếc xe tải “đưa lưng chịu trận” của anh tài xế Phan Văn Bắc. Kết luận ấy sẽ mang tính toàn xã hội. Không ai mong có đám cháy để xông vô dập lửa. Nhưng khi đã xuất hiện đám cháy, bấy giờ mọi chuyện mới bắt đầu…

(Phạm Ngọc Tiến đã cán đích Đất Mũi, Cà Mau vào ngày 18/9/2016. Chúc mừng Phạm Ngọc Tiến đã về đích an toàn! Dù có vài đoạn ngồi…ô tô. Tính về “độ phượt” thì còn kém Bảo “thường” mấy bậc. Nhưng thông cảm, nhà văn mà!)

MỚI - NÓNG