Nhà văn đạp xe xuyên Việt - Bài 2: Về nơi nắng lửa Kỳ Anh

Ăn cơm với một gia đình ngư dân ở Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ăn cơm với một gia đình ngư dân ở Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
TP - Tôi tặng Phạm Ngọc Tiến đôi câu lục bát nhân anh luận về tự do khi đạp xe một mình trên đường thiên lý: Tự do chẳng ở đâu xa/Một mình rong ruổi ấy là tự do. Chợt nhớ những câu đối rất vui của cụ Vũ Khiêu, lại chỉ muốn làm học trò cụ để học nghề… làm câu đối. Nghề ấy đang hơi bị được. Phạm Ngọc Tiến viết: 

Trưa đang uống rượu thì một vị tướng gọi điện bảo có chai rượu ngon lắm em ơi. Nói em đang xuyên Việt anh ạ. Mày điên à. Vâng em điên nhưng cả cuộc đời em mấy ngày này là được tự do tuyệt đối. Ắng đi rồi ông anh bảo, mày nói đúng em ạ. Tự do tuyệt đối. Hay lắm, câu hay nhất của mày, anh sẽ để chai rượu phần em khi về. Máy tắt rồi vẫn ngồi thẫn ra. Ừ nhỉ, tự do. Mấy ngày rồi thích gì làm nấy chả phải hỏi ai, lựa ai. Và người khỏe cực kỳ. Hình như tư tưởng thông thì thân xác cũng thoáng.

Vâng, tự do nhiều khi chỉ giản đơn như vậy. Hình như có một nhà triết học nào đó đã nói, đại ý: những điều lớn lao nhiều khi hiện ra rất đơn giản. Đạp xe đường trường, tôi cũng đã có trải nghiệm này, dù tôi chỉ đạp xe trong vòng trăm cây số trở lại, hồi mới hòa bình. Đạp xe đường thẳng nhưng đầu óc mình lại hay nghĩ lòng vòng. Mà nghĩ lòng vòng mới có sức đạp thẳng, mới đỡ mệt. Chứ nếu cứ chăm chắm nghĩ về đích, thì bảo đảm chỉ đạp dăm chục cây số là…oải. Phạm Ngọc Tiến tha hồ nghĩ về tự do khi đang đạp xe, nhất là khi đạp xe trên đường mà được bà con chú ý:

Đi đường rất nhiều trẻ em, người lớn vẫy vẫy hello. Có vài cô chú vè xe máy nói cả tràng tiếng Anh khiến mình phì cười. Thậm chí có đôi trai gái đèo nhau cợt nhả còn vỗ vài lượt vào người mình. Không cáu thấy vui thế là buột ra hello cái… Đôi kia tròn mắt rồi cười phá. Bố sư khỉ vớ được Tây rởm chửi bậy thành thần. Sao họ nhầm mình là Tây được nhỉ. Mặt đen như Bao Công xứ Tàu. Mũi to như quả cà chua, xấu đau xấu đớn. Chắc là do ăn mặc xanh đỏ như vẹt Hồng Kông nên dân tình tưởng thế. Vui nhưng ngẫm ra thì thấy đau đau. Dân mình chuộng Tây, khao khát Tây quá. Chỉ có sự bần hàn mới phải chuộng ngoại như thế.
Mai chặng đường khá dài. Gần trăm cây số và trời sẽ nóng kỷ lục trên 40 độ. Không sao đạp đã quen chân rồi. Giờ khăn mũ, áo xống đầy đủ rồi. Sẽ ngon nghẻ thôi. Tối mai đến thành Vinh, mấy ông con nuôi bảo bố đến Vinh con bố trí ăn ngủ khách sạn sao nhé. Tối giờ gọi thằng nào cũng tắt máy. Mai không gọi được ông dỗi ngủ đầu cầu Bến Thủy cho chúng mày hối hận luôn.

Tiến ơi, bà con chú ý, chọc ghẹo càng vui, mình lại càng cảm thấy phơi phới, thấy tự do, chứ sao. Tôi vừa ra Hội An thăm nhà văn Nguyên Ngọc mà tôi gọi là một lão chiến binh. Gọi như thế do tới bây giờ, sau hòa bình đã 41 năm mà anh Nguyên Ngọc trên 80 tuổi vẫn tự thu xếp cuộc sống một mình theo kiểu một người lính thuở xưa. Căn phòng rất nhỏ ngoài sách được bày chật kín thì chỉ còn chỗ cho một cái giường đơn và một chiếc bàn nhỏ có đặt laptop làm việc. Vậy mà khi tôi vào nhà, câu đầu tiên chủ gia hỏi, là “Cà phê nhé!” Tôi không hiểu anh Nguyên Ngọc lấy hay gọi cà phê ở đâu. Hóa ra, anh có hẳn một máy xay tự động nho nhỏ pha cà phê. Chỉ nháy mắt, ly cà phê nóng hổi đã ở trước mặt tôi. Chiến binh bây giờ là phải sống như thế, cũng có những tiện nghi vừa phải cho mình. Như Phạm Ngọc Tiến, đạp xe xuyên Việt nhưng không hề giống với Bảo “thường” đạp xe năm xưa, Tiến tự trang bị trên xe rất nhiều vật dụng thiết yếu, để nếu cần có thể ngả ra ngủ ngay bên đường cái quan một cách thoải mái. Và hết sức tự do. Có lẽ vì thế mà Tiến bị bà con trên đường nhầm với… Tây, dù tôi tịnh không thấy một “chút Tây” nào trên con người của Tiến. Mà chỉ đặc quánh một màu… mắm tôm dân dã.

Chính vì đạp xe trong trạng thái hoàn toàn tự do như thế, Phạm Ngọc Tiến thỉnh thoảng lại buột thốt những đoạn văn xuất thần, như cái đoạn về Nga Sơn - Thanh Hóa này (chợt nhớ câu ca dao Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng…):

Cả một vùng đồng bằng ven biển Nga Sơn ngút ngát kẹp giữa hai rặng núi xa xa. Là Tam Điệp với núi gì không biết. Xanh ngắt. Và gió lồng lộng thổi ào ạt vào người vào mặt. Mát. Một thứ mát chưa từng. Nắng chang chang nhưng mồ hôi không hề rịn. Cũng chẳng khát nước. Cảnh đẹp như tiên giới. Song song với đường lộ là một con sông nhỏ kiểu sông đào. Hỏi tên thì biết nó là sông Ba Đình. Sông nước ngọt mới quý giá chứ” .

Tôi đọc đoạn văn này như đọc một đoạn thơ, dù tôi chưa nghe Tiến từng làm thơ. Thế mới vỡ ra, khi xuất thần cảm hứng, người ta dễ thốt…thơ, hơn là thốt văn xuôi. Những đoạn đường Phạm Ngọc Tiến đạp xe qua dưới cái nắng nóng hơn 40 độ của miền Trung, lại là những đoạn đường anh tích lũy âm ỉ được nhiều cảm xúc, nhiều ý tưởng nhất. Nhà văn đạp xe xuyên Việt cốt để được những cái như thế, chứ không nhằm lập bất cứ kỷ lục gì, dù là kỷ lục…nhậu. Tiến là người rất chăm ăn nhậu, đi đâu anh cũng có bạn, mà phần nhiều là bạn… nhậu. Nhưng có một đoạn đường, Tiến thú nhận với tôi là mình quên… nhậu luôn, hoặc không thiết gì tới chuyện bia rượu nữa. Những cảm xúc, bức xúc đã trào lên, đè ứ anh trên đoạn đường ấy.

Về nơi nắng lửa Kỳ Anh

Đó là đoạn đường Hà Tĩnh, khi Phạm Ngọc Tiến đạp xe qua “vùng trọng điểm Formosa”. Hồi chiến tranh chống Mỹ, nói tới vùng “trọng điểm” như vùng Kỳ Anh - Đèo Ngang Hà Tĩnh, là nói tới vùng bom Mỹ dội suốt ngày đêm. Đã có rất nhiều anh hùng, trong đó có nhiều cô gái Hà Tĩnh, đã trường kỳ đội bom ở vùng trọng điểm này. Khi nhạc sĩ Doãn Nho viết ca khúc “Người con gái sông La” nổi tiếng có tên La Thị Tám, ông cũng viết ngay ở vùng trọng điểm Hà Tĩnh này. Bây giờ, sau hơn 50 năm, vùng biển Kỳ Anh-Hà Tĩnh lại trở thành “vùng trọng điểm”. Phạm Ngọc Tiến cắm cúi đạp xe qua vùng đất đó:

Nhà văn đạp xe xuyên Việt - Bài 2: Về nơi nắng lửa Kỳ Anh ảnh 1 Trang phục chống nắng.

Đến Kỳ Anh thấy tập trung nhiều nhà báo của cả nước. À, Kỳ Anh đang vướng vụ chôn lấp chất thải. Lại vướng vào Formosa. Lần này nếu ra kết quả chất thải độc thì sao nhỉ ? Thấy tình hình có vẻ căng thẳng bèn bảo nhà thơ nhà báo Ngọc Vượng, báo Lao Động Xã Hội đi ra Vũng Áng làm mấy kiểu ảnh. Vũng Áng chỗ nhà thuyền vốn tấp nập mực nhảy, đồ biển tươi dạo nào giờ tiêu điều, xơ xác. Cá còn ai dám ăn nữa mà chả hiu hắt như vậy. Cảm xúc về biển độc, biển chết ở Vũng Áng chợt trào lên và có nhu cầu làm thơ mới chết chứ. Chỉ nghĩ được câu đầu nước mắt đã trào ra. Ồ, có lẽ kiếp sau mình sẽ là thi sĩ mất thôi. Khổ rồi.

Dù ngay ở kiếp này anh có thành thi sĩ, thì những câu thơ ở Vũng Áng cũng sẽ rất đậm màu… văn xuôi. Tôi cam kết như thế. Vì tôi cũng đã từng làm thơ về những sự kiện như vậy. Và thơ tôi lúc ấy là những câu văn xuôi hẳn hoi, không một chút véo von ca hát. Chỉ đắng chát. Đêm Kỳ Phương. Trong căn phòng của một người đánh cá, Phạm Ngọc Tiến bỗng gặp lại màu xanh thuở trẻ trung mình từng ước mơ cho hạnh phúc. Một màu xanh bây giờ có lẽ đã mất sau vụ Formosa xả thải. Chỉ một cú xả lạnh tanh kèm một thông điệp còn lạnh tanh hơn: “Cá hay là thép?” mà dân tình bốn tỉnh miền Trung điêu đứng. Và đêm Kỳ Phương:

Chợt được nằm trong căn phòng gần như ước mơ thiếu thời. Nôn nao nghĩ lại một thời tuổi trẻ yêu đương. Không biết trong số những người phụ nữ từng gắn với mình giờ thế nào. Còn ai nghĩ đến mình với những gì họ biết nữa không. Thấy cay cay mắt nghĩ đến chặng đường đời trước mặt, nghĩ chặng đường đã qua. Chỉ là tự an ủi mình chưa hề tệ bạc, chưa hề đểu giả trong tình cảm. Sẽ chẳng có ai hận thù mình cả và nếu là sự may mắn cho số phận mình hẳn đó sẽ là những ý nghĩ lành lặn về một con người có nhiều khuyết tật là mình. Cảm ơn màu xanh.

Khó ngủ. Nghe đâu đây như sóng biển. Biển xa quãng nửa cây số sao nghe được sóng. Chỉ là ảo giác do tác động của cảm xúc. Chiều nay ra thăm cảng biển của thôn. Nhiều con tàu nằm phơi nắng trên bờ cát tiêu điều nhưng cũng không ít con tàu neo đậu và cập cảng. Biển nhiễm độc nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Những con tàu kia đánh bắt ở vùng biển xa hay gần, độc hay không độc, chẳng biết chỉ thấy thương ngư dân bỗng đâu đón nhận tai họa xuống đầu. Hồi tối, chủ nhà dẫn đi thăm một số nhà dân. Giới thiệu mình là tác giả phim họ thích nhưng lại bảo sao anh không viết phim về biển độc. Phim đó mới nói lên được đời sống nhân dân chúng tôi. Nghẹn lời chẳng biết nói gì”.

Nhà văn nhà thơ là như vậy. Nhiều khi giữa một vùng cần nói to nói lớn họ lại im lặng. Nhưng đừng nghĩ họ im lặng. Họ âm thầm chuẩn bị cho tiếng nói của mình, qua ngôn ngữ văn học. Tiếng nói ấy có thể đến chậm hơn một chút, nhưng nó phải có chiều sâu hơn, đau đớn hơn, dằn xé hơn. Phạm Ngọc Tiến là nhà văn thứ hai về ngay vùng biển Kỳ Anh - Vũng Áng sau vụ Formosa xả độc. Người thứ nhất, năm nay tròn 80 tuổi là nhà văn Hoàng Quốc Hải - một nhà văn nổi tiếng về những tiểu thuyết lịch sử. Anh Hoàng Quốc Hải đã về tận nơi ngư dân gặp thảm nạn, và đã trò chuyện với từng người dân về những nỗi lòng nỗi hờn nỗi uất của họ. Để viết một phóng sự. Một thể loại báo chí mà anh Hoàng Quốc Hải từ lâu không viết, vì chỉ lo viết tiểu thuyết. Nhưng lúc cần phóng sự, thì một nhà văn 80 tuổi vẫn tung ra một phóng sự phơi bày sự thật ngọt sắc như một lưỡi gươm, ở đúng cái nơi mà người ta đã chôn giấu sự thật. Nhưng sự thật đâu phải là chất thải độc hại, sự thật chính là dưỡng chất trần gian này. Những ghi chép của Phạm Ngọc Tiến về Vũng Áng - Kỳ Anh - Kỳ Phương - Hà Tĩnh là những mảnh sự thật nó sẽ giúp anh ghép nên tác phẩm khi về lại nhà mình. Tôi gọi Hoàng Quốc Hải và Phạm Ngọc Tiến là những nhà văn dấn thân. Dù năm nay họ đã 80 và 60 tuổi. Lại chợt nhớ cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Có lần ngồi với nhau, anh Sáng đã nói với tôi : “Tao bây giờ già rồi, chân chậm mắt mờ rồi. Nhưng nếu quân xâm lược lại tới đất nước mình, tao xin đầu quân ra trận. Làm gì cũng được, miễn cùng toàn dân đánh giặc”. Tôi đã rơm rớm nước mắt khi nghe những lời gan ruột này từ một lão nhà văn mà cuộc sống đang đếm từng tháng từng ngày. Nhân dân mình thế nào thì nhà văn của mình cũng phải như thế ấy. Không thể khác.

             _____________________

Tiếp theo Tiền Phong Chủ nhật số 269

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.