Khawassco có hai nhà máy nước (NMN) lấy nước sông Cái cấp nước sinh hoạt cho thành phố Nha Trang và thị trấn Diên Khánh, NMN Võ Cạnh có công suất cấp nước 100.000m3/ngày đêm, NMN Xuân Phong có công suất 15.000m3/ngày đêm. Phía thượng lưu hai NMN này có NMN Phước Lạc Thọ cấp nước cho 3 xã Diên Phước, Diên Lạc, Diên Thọ (Diên Khánh), với công suất 7.000m3/ngày đêm và NMN của Cty cổ phần Giấy Rạng Đông, công suất 500m3/ngày đêm.
Để cung cấp đủ nước cho 4 NMN này, lưu lượng nước tối thiểu của sông Cái phải là 1,42m3/s. Đó là chưa kể tới nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác, riêng trạm bơm Cầu Đôi cấp nước tưới cho hơn 800 ha đất canh tác đã cần lượng nước nhiều hơn lượng nước cho NMN Võ Cạnh.
Trong khi đó, lưu lượng nước sông Cái ngày 11/4 chỉ là 1,52m3/s, lưu lượng nước thấp nhất ngày 27/3 chỉ là 1,4m3/s. “Đơn giản thế này, nước sông Cái còn tràn qua mặt đập ngăn mặn Vĩnh Phương có nghĩa là nước về còn dư, nếu mực nước thấp hơn mặt đập là bắt đầu thiếu nước”, ông Bình nói.
Ngày 11/4, mực nước sông Cái đã thấp hơn mặt đập Vĩnh Phương khoảng 20cm, và đang tiếp tục xuống thấp. Khawassco đã kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng nước trong nông nghiệp, ưu tiên nguồn nước cung cấp cho các NMN. Theo ông Bình, hiện nay chưa đến lúc nắng nóng nhất, chưa phải cao điểm tiêu thụ nước mà đã thiếu nước, có thể trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và tháng 5 tình trạng thiếu nước ở Nha Trang sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Trong trường hợp xấu nhất, Khawassco sẽ buộc phải tính đến phương án luân phiên cắt nước tại từng khu vực. Một khả năng xấu nữa là nguồn nước sinh hoạt ở Nha Trang bị nhiễm mặn. Lưu lượng nước sông Cái ngày 7/5/2015 chỉ là 0,65m3/s, năm nay hạn nặng hơn, kéo dài hơn, sẽ có ngày lưu lượng nước sông Cái ít hơn mức kỷ lục kia. Mực nước sông Cái phía thượng lưu đập Vĩnh Phương sẽ thấp hơn mặt đập khoảng 1m, trong trường hợp đó nước mặn từ hạ lưu sẽ thẩm thấu qua đập, làm nhiễm mặn nguồn nước cấp cho các NMN.
Phải lo xa
Theo ông Bình, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ nước sinh hoạt ở khu vực Nha Trang tăng 5% mỗi năm. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu nước sinh hoạt của khu vực Nha Trang là 180.000m3/ngày đêm. Vậy, có đủ nguồn nước để đáp ứng nhu cầu đó?
Từ tháng 8/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có dự án đầu tư xây dựng đập ngăn mặn mới thay thế đập Vĩnh Phương ở khu vực cầu gỗ Phú Kiểng hiện nay, cách đập Vĩnh Phương khoảng 2km về phía hạ lưu. Đập Phú Kiểng sẽ giúp vùng thượng lưu đập có mực nước ổn định hơn vào các tháng mùa khô, chống nhiễm mặn, đồng thời cũng là chiếc cầu kiên cố thay cầu gỗ Phú Kiểng thường bị cuốn trôi vào mùa lũ. Mặt khác, cuối năm 2016 giai đoạn 1 của NMN Suối Dầu, công suất cấp nước 30.0003/ngày đêm sẽ được đưa vào vận hành. Khi hoàn chỉnh, NMN Suối Dầu sẽ có công suất 50.000m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, nước từ NMN Suối Dầu phải dành phục vụ nhu cầu của huyện Cam Lâm, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và Khu công nghiệp Suối Dầu, chỉ một phần đưa về Nha Trang. “Để bảo đảm đủ nguồn nước sạch cho nhu cầu của khu vực Nha Trang, cần phải xây thêm đập, hồ chứa nước ở thượng lưu để cắt lũ mùa mưa, xả nước giải hạn mùa khô, phải có chiến lược trồng và giữ rừng đầu nguồn để tái tạo nguồn nước”, ông Vũ Đức Bình nói.
Ông Đỗ Hồng Hải, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa cho biết, công ty đã ngưng hoạt động của Trạm bơm Cầu Đôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang.