800 nghìn người ở ĐBSCL bị thiếu nước

Một cánh đồng khô hạn ở huyện An Biên, Kiên Giang.
Một cánh đồng khô hạn ở huyện An Biên, Kiên Giang.
TP - Trên 200.000 hộ gia đình (khoảng 800.000 người), cùng nhiều trường học, trạm xá, nhà máy…bị thiếu nước; trên 160.000 ha lúa đã bị thiệt hại do xâm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chiều 15/3, bên lề hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị họ xả nước từ các hồ chứa để hỗ trợ Việt Nam đối phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Hiện các bộ đang triển khai thực hiện. Các chuyên gia đã có những thông số kỹ thuật để Bộ Ngoại giao có cơ sở làm việc với Trung Quốc.

Cũng theo ông Phát, vừa qua, trong khuôn khổ cuộc họp với các nước Ủy ban sông Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan), Việt Nam đã đạt được thoả thuận liên quan đến việc sử dụng nước trên dòng chính cả về số lượng, chất lượng nước và một số thỏa thuận về việc xây dựng các công trình ở trong khu vực. Những thỏa thuận đó đã có tác động tích cực.

“Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để có cùng khai thác có lợi nhất cho các bên có liên quan. Sông Mekong không chỉ tới 4 nước mà còn liên quan tới Trung Quốc và một phần Myanmar, nên cần có sự hợp tác chặt chẽ với các nước đó”- ông Phát nói.

Ông Phát cho biết, những tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn với khu vực ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên thời gian qua, đều ghi nhận những cột mốc lịch sử. Theo ông, các địa phương đề nghị Bộ hỗ trợ khoảng 100 triệu USD để hỗ trợ việc đắp các đập tạm, hỗ trợ nước cho người dân và xây dựng các công trình khẩn cấp, khôi phục lại sản xuất. “Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình cấp thiết ứng phó với những vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai gần”- ông Phát nói.

Bộ trưởng Phát cho hay, Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan, Ngân hàng Thế giới và một số nhà tài trợ, xây dựng quy hoạch thủy lợi, có tính đến các yếu tố của biến đổi khí hậu của ĐBSCL và một số vùng khác. Thông qua quy hoạch đó. sẽ lựa chọn ra các dự án ưu tiên, “giải pháp không hối tiếc, mọi tình huống phải thực hiện”. Chúng tôi đã tập hợp, báo cáo với Chính phủ để huy động các nguồn lực thực hiện các dự án này.

Theo Bộ NN&PTNT, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm gần 2 tháng, và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. Mặn hiện đã lấn sâu khoảng 90 km trong đất liền, làm các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Diện tích lúa thiệt hại ở ĐBSCL từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 160.000 ha. Với vụ Hè Thu 2016, nếu tình hình khô hạn kéo dài đến hết tháng 6/2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước (khoảng 30% diện tích gieo cấy toàn khu vực). Ngoài ra, trên 200.000 gia đình (khoảng 800.000 người), nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, nhà máy sản xuất bị thiếu nước.

Kiên Giang: Diện tích thiệt hại do hạn mặn tăng trên 22.411 ha

Báo cáo mới nhất của Tổ công tác của Sở NN&PTNT Kiên Giang chiều 14/3 cho biết: Tính đến ngày 10/3, tổng diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại vụ Mùa và vụ Đông - Xuân 2015-2016 do hạn mặn là 56.505,04ha, tăng 22.411,96 ha so với số liệu thống kê ban đầu. Toàn tỉnh có 32.384 hộ bị thiệt hại do hạn mặn. Các huyện thuộc vùng U Minh thượng như: An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất với tổng diện tích trên 45 ngàn ha.

Nguyên nhân diện tích thiệt hại tăng mạnh là do trước đó nhiều hộ dân không thông báo, kê khai thiệt hại; một số huyện có diện tích lúa bị thiệt hại nhưng báo cáo chưa kịp thời về Sở NN&PTNT như: Hòn Đất 3.374ha, Kiên Lương 6.279ha, Gò Quao 1.398ha. Tỉnh Kiên Giang là tỉnh đầu tiên công bố thiên tai ở ĐBSCL. Với diện tích thiệt hại tăng hơn 22 ngàn ha nói trên, con số hỗ trợ thiệt hại sẽ không dừng lại ở mức 235 tỷ đồng như tính toán ban đầu.

Theo đánh giá của ngành chức năng, diễn biến hạn mặn ngày càng phức tạp, chuyển biến từng ngày. Nhiều nơi người dân đang phải mua nước ngọt với giá cao, đặc biệt vùng quần đảo Nam Du giá nước ngọt đã lên tới 100 ngàn đồng mỗi mét khối.

Ông Đào Thanh Hóa - Giám đốc Trung tâm nước sạch & vệ sinh môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết: Tình hình hạn hán kéo dài,  xâm nhập mặn đã làm 10 trạm cấp nước nông thôn thiếu nước nghiêm trọng. Hiện có trên 20.000 hộ dân bị thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn và khô hạn.

MỚI - NÓNG