Nhà thơ lạ

Nhà thơ lạ
TP - Ngắm đường điện cao thế vươn mình giữa trời cao rộng, cảm hứng về đất nước hiện đại hóa công nghiệp hoá, ông có cảm xúc thơ: Hiên ngang đứng giữa đất trời/ Hai vai trĩu nặng tình đời ba pha!

Trước tượng đài nữ tướng Lê Chân, ông cảm khái dạt dào viết: Trên đầu Người trời rộng bao la/ Mây trắng nhởn nhơ nhè nhẹ la đà/ Dưới chân Người bê tông rắn chắc/ Mặt trời lên mắt vẫn không nheo”!

Thấy trên trang weblogs của nhà văn Kao Sơn (và thông báo trên trang phongdiep.net) có bày cuộc thi… bình những câu thơ dở! Sách vở báo chí đổ xô đi bình thơ hay cho người ta thưởng lãm thì có lẽ cũng nên bình những câu thơ dở để thiên hạ… học tập, rút kinh nghiệm chứ sao!

Tôi không có ý tham gia cuộc thi ấy, nhưng qua cái ý tưởng ngộ nghĩnh đó, vô tình nhớ đến một nhà thơ đã in 13 tập thơ mà trong quá trình tìm đọc học hỏi tôi may mắn có đủ. Thơ của nhà thơ này lạ lắm, cứ… ám ảnh mãi! Xin trích dẫn một ít để những ai chưa có dịp đọc được cùng thưởng thức.

Trước hết là nói chuyện làm thơ của ông. Nhà thơ của chúng ta than rằng lâu ngày thi hứng (tức nàng thơ) đi vắng, không viết được gì, bèn gọi thi hứng trở về với bài tên “Nàng thơ ơi”: “Sao nàng đi đâu mãi/Sợ trong tuần đẻ mấy con chăng/Sao nàng không nghĩ/Có những tháng năm không sinh được đứa nào/Về đi thôi ta chờ nàng nhé/Ta phải có con cho đời tươi”! (Tập Tiếng vọng, tr. 21).

Có người đọc xong bảo rằng nàng thơ sợ bị ông ấy… cho sinh đẻ vỡ kế hoạch, bỏ đi tuốt luôn, nên ông ấy không làm thơ được! Ai nói thế là sai, vì không làm được thơ sao in đến những trên 10 tập?

Đi Hải Phòng, trước tượng đài nữ tướng Lê Chân, ông cảm khái dạt dào viết bài “Dưới tượng đài Lê Chân”: “Trên đầu Người trời rộng bao la/ Mây trắng nhởn nhơ nhè nhẹ la đà/ Dưới chân Người bê tông rắn chắc/ Mặt trời lên mắt vẫn không nheo”! (Tiếng vọng, tr. 40).

Đúng quá đi chứ lị, chân tượng đài thì rõ là bê tông vững chắc rồi, mà đã là tượng thì mắt sao nheo trước ánh nắng được! Ai chả hiểu ý ông muốn nói dưới chân Bà là giang sơn đất nước vững bền và thần thái, khí tiết của Bà là cương nghị, mạnh mẽ. Nhưng ông viết theo cách của riêng ông mà! Thơ ca nó phải “ý tại ngôn ngoại” chứ!

Ca ngợi cô y tá cứu thương trong thời chống Mỹ, ông viết: “Tay em mềm mại cầm kim/ Châm vào đầu gối như ghim tháng ngày/ Hỡi ai đau đớn có hay/ Con người Việt cộng đây là ân nhân/ Tay em mềm mại cầm panh/ Cầm dao mổ xẻ tan tành vết thương/ Chỗ nào mảnh đạn ẩn nương/ Dao em rạch đến theo đường máu tuôn”! (Tập Giải phóng, tr. 37).

Ông xúc động rất mạnh khi một cháu bé con của đồng chí mình được sinh ra dưới lửa đạn kháng chiến năm xưa: “Chú chờ giây phút cháu ra/ Như chờ giây phút quân ta công đồn/ Mười ba giờ bốn chục phút hơn/ Cháu cao tiếng hát đầu tiên chào đời/ Thế là Tổ quốc của tôi/ Có thêm được một công dân nữa rồi”… (Tập Gửi cho con, tr. 10).

Chắc chắn không những cháu bé Yến này nhớ mãi bài thơ của Chú tặng mà bạn đọc cũng khó mà quên được đoạn thơ này.

Ngắm đường điện cao thế vươn mình giữa trời cao rộng, cảm hứng về đất nước hiện đại hoá công nghiệp hoá, ông cũng có cảm xúc thơ: “Hiên ngang đứng giữa đất trời/ Hai vai trĩu nặng tình đời ba pha”! (Tập Ý thức, tr. 29).

Nhà thơ còn giúp những ai chưa có dịp du lịch nước ngoài những thông tin hữu ích nữa đấy. Ví dụ Đu-bai, thành phố to đẹp, hiện đại bậc nhất của Ả-rập Xê-út cũng đi vào thơ ông thế này: “Đu-bai tàu đậu chặng dừng chân/ Nô nức xuống ga tìm người thân/ Đèn sáng rực trời tìm chẳng thấy/ Người đông mà cứ như cái hang”!

Chưa hết, còn nữa: “Đu-bai đây nhé tàu đã dừng/ Nhớ lại chuyến đi mỏi cả chân/ Vẫn không tìm thấy gì cần thấy/ Nay ngồi lại tàu ta thấy NHÂN” (Tập Nhắc, tr. 24-25). Ông thấy “NHÂN” còn bạn đọc thấy gì qua hai đoạn thơ thì… tự mà thấy vậy.

Xin lưu ý, đây là thơ của hội viên một Hội chuyên ngành viết lách cấp quốc gia đấy! (Cái này bạn đọc thấy ghi ở nơi bìa sách). Nghĩa là thơ có nhãn mác, có thương hiệu hẳn hoi!

Ngoài những cảm xúc “tinh tế” như trên, ông còn có cách nói, cách đặt vấn đề, cách quan niệm cũng khá độc đáo. Ví dụ: “Tôi không thích những bèo trôi vô định/ Thà sống chìm mà vững như cây rong” (Nhắc, tr. 44).

Ấy là ông hô hào sống sao cho xứng tính cách của một con người cương trường đó! Hoặc: “Những tên sâu mọt làm vương/ Hung hăng như cọp như lươn thôi mà”! (Ý thức, tr. 17).

Cọp hung hăng thì rõ rồi, còn lươn thì… À, là để bắt vần, vì đây là kỹ thuật thơ lục bát mà!  Hoặc nữa, ông dạy con gái: “Chồng con chọn: phải yêu con thật sự/ Còn con yêu: ít cũng được thôi”! (Gửi cho con, tr. 67).

Và cũng là dạy con, ở bài “Dặn con học triết” ông bảo: “Muốn bay giữa trời xanh/ Tạo lông dài và rậm”?! Bạn đọc cố hiểu hình tượng “lông dài và rậm” là muốn bay giữa trời xanh cao như chim ưng, đại bàng thì phải có bộ cánh bộ lông oai dũng, nhưng khi đọc tiếp: “Hy vọng như đại bàng/ Không bao giờ thành được” (Tiếng vọng, tr. 29), thì đâm ra… ngờ ngợ cho cái sự hiểu không tới nơi tới chốn của mình! Rồi ông định nghĩa tình yêu: “Ôi tình yêu: mạnh hơn luồn sét/ Mà không hề có sấm kèm theo!” (Tập Ánh thép xanh, tr. 27).

Cách dùng từ ngữ, hình tượng của ông cũng độc đáo không kém. Ví như khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mất, với ý thức công dân cao độ, ông viết: “Thế là anh đi xa mãi mãi/ Nhưng tôi lại nhìn anh rõ hơn/ Hôm nay ngoài anh tôi không còn thấy gì nữa/ Anh Linh ơi, cây đại thụ giữa trời/ Góp phần làm trong sạch không khí, chống hôi”! (Tập Xa - gần, tr. 68).

Ấy là ông muốn nói dưới thời lãnh đạo của con người “Nói và làm”, “Những việc cần làm ngay”… này thì bọn sâu nước mọt dân hôi tanh bị dẹp triệt để, góp phần làm trong sạch bộ máy cán bộ, chứ không phải nói… bảo vệ môi trường đâu, xin bạn đọc chớ vội nhầm!

Còn khi nói về chiến công thần tốc, oai hùng của quân dân ta đánh trận Buôn Ma Thuột mở màn chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông viết: “Ơi em, kìa phía trước/ Bão đã nổi lên rồi/ Trận bão này đưa những vì sao/ Đến với ta như đom đóm” (Tập Giải phóng, tr.49). Giữa khí thế ngất trời, chiến thắng đưa về dồn dập mà liên tưởng đến… đom đóm?

Các chàng trai trẻ đọc những câu ông viết tặng sau đây chắc sẽ sung sướng vô cùng: “Hãy hát lên bạn đời trai trẻ/ Sự tồn tại của chúng ta là mới mẻ/ Có ta nữ giới phải sửa sang” (Giải phóng, tr. 19).

Đúng thế thôi, phụ nữ bao giờ mà chả sửa sang làm đẹp trước mặt người khác phái? Còn những câu này: “Không cao quá để đừng xa cách/ Sợ nổi mung lung giám rộng dài” (Tiếng vọng, tr. 41) hay: “Tôi muốn bớt đi khói đạn/ Để con người nhìn thấy mặt nhau/ Để nhân dân tôi bắt tay nhân dân Mỹ/ Để thời gian vô hạn nhanh lâu” (Giải phóng, tr. 39).

Thú thật, với những “sợ nổi mung lung giám rộng dài” với “để thời gian vô hạn nhanh lâu” thì vì nhà thơ chưa giải thích nên bạn đọc chưa đủ khả năng hiểu nổi ý nghĩa cao sâu vi diệu của nó!...

Cứ thế, qua 13 tập thơ (sắp in tập thứ 14) nhà thơ đã đưa đến cho bạn đọc một giọng thơ vô cùng độc đáo mà rất tiếc, một bài báo nhỏ không thể nào trích dẫn được nhiều hơn. Sách phát hành công khai rộng rãi, mời các bàn tìm đọc vậy.

Ngẫm ra yêu thơ, ham làm thơ, in thơ… là quyền mỗi người. Thậm chí làm thơ hay thơ dở cũng là quyền nữa. Còn việc biên tập, cho in hay kết nạp… gì gì đó thì hình như lại là một chuyện khác?

MỚI - NÓNG