Nhà nước dậm chân, tư nhân nhảy vọt

Nhà nước dậm chân, tư nhân nhảy vọt
Từ cuối năm 2010, tình trạng xe buýt xuống cấp đã khiến không ít hành khách giã từ xe buýt… Để khắc phục tình trạng này, UBND TP.HCM đã giao sở Giao thông vận tải (GTVT) lập đề án thay thế 1.680 xe buýt mới. Tuy nhiên sau hơn một năm rưỡi, đề án vẫn chưa thể triển khai.

Đổi mới xe buýt ở TP.HCM

Nhà nước dậm chân, tư nhân nhảy vọt

Từ cuối năm 2010, tình trạng xe buýt xuống cấp đã khiến không ít hành khách giã từ xe buýt… Để khắc phục tình trạng này, UBND TP.HCM đã giao sở Giao thông vận tải (GTVT) lập đề án thay thế 1.680 xe buýt mới. Tuy nhiên sau hơn một năm rưỡi, đề án vẫn chưa thể triển khai.

Tuyến Tân Quy – An Sương vừa được thay thế xe mới, có màu riêng theo từng tuyến.
Tuyến Tân Quy – An Sương vừa được thay thế xe mới, có màu riêng theo từng tuyến. .

Có lẽ chịu không được sự chậm trễ này nên không ít hợp tác xã (HTX) xe buýt đã tự bỏ tiền ra để đổi mới nhằm câu, hút khách.

Tư nhân chạy trước

Hai ngày qua hàng ngàn hành khách đi xe buýt tuyến An Sương – Tân Quy vô cùng sung sướng vì được ngồi trên những chiếc xe mới cứng. “Ngồi trên xe buýt máy lạnh mát rượi, ghế ngồi êm như đang ngồi trên salông”, chị Thanh An, một tiểu thương vừa mới bước xuống xe ở bến xe buýt An Sương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tới, phó chủ nhiệm HTX 19.5, để được lòng hành khách ở tuyến buýt An Sương – Tân Quy, HTX 19.5 đã bỏ ra gần 50 tỉ đồng (mỗi xe có giá 1,7 tỉ đồng) để thay thế 25 xe buýt cũ đã xuống cấp.

“Hành khách sướng là phải vì 25 xe buýt mới kể trên đều đạt tiêu chuẩn Euro 3 về khí thải để hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong xe có loa nhắc hành khách ga đến”, ông Tới nói.

Chính vì mạnh dạn đầu tư xe mới mà chỉ mới chưa đầy hai ngày đưa vào hoạt động, lượng khách trên tuyến An Sương – Tân Quy của HTX 19.5 đã tăng đến gần 10%.

Theo ông Tới, nói thì dễ nhưng để đầu tư được 25 xe buýt kể trên là vô cùng khó khăn. Bên cạnh chuyện tiền, việc giải quyết 25 xe buýt cũ khá phức tạp. “Thành phố chưa có cơ chế cụ thể trong việc bán các xe buýt cũ (chưa cho bán) nên tụi tôi phải phân bổ 25 xe cũ ra sáu tuyến khác.

Do đó, bây giờ có muốn đầu tư thêm xe buýt mới ở các tuyến khác thì cũng không thể được vì xe cũ “vứt” đi đâu? Rất mong thành phố sớm cho bán thanh lý các xe buýt cũ và thông qua đề án đổi mới 1.680 xe buýt với phần hỗ trợ lãi suất như trước đây”, ông Tới nói.

Tương tự, dù không được một ưu đãi nào, nhưng từ giữa năm 2011 đến nay, liên hiệp các HTX vận tải TP.HCM đã đầu tư liền tù tì 14 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 30 tỉ đồng. Tương tự như HTX 19.5, từ khi đưa các xe buýt nhiên liệu sạch vào hoạt động, lượng khách trên các xe buýt mới trên liên tục tăng từ 10 – 15%.

“Tôi nghe nói thành phố đang có đề án phát triển 300 xe buýt nhiên liệu sạch bằng cách đóng mới trong nước với giá rẻ hơn giá nhập nhưng đợi đến lúc “xuất xưởng” thì chưa biết tới chừng nào. Do đó, chúng tôi đành phải gồng mình đổi mới trước. Hy vọng từ đó thành phố sẽ sớm đẩy nhanh chuyện đổi mới xe buýt với cơ chế chính sách và lãi suất hợp lý để mọi người có thể vui vẻ cùng buýt”, ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc liên hiệp HTX vận tải TP.HCM kiến nghị.

Muốn nhanh phải xã hội hoá?

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân tìm mọi cách bứt phá để đổi mới xe buýt thì tới nay, đề án thay thế 1.680 xe buýt mới vẫn chưa có hồi kết vì vướng mắc ở cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư.

Cụ thể, nhằm thay thế dần những phương tiện đã cũ kỹ, trước đây, UBND TP.HCM giao cho tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV (Samco) làm chủ đầu tư đề án 300 xe buýt sạch (tổng mức đầu tư trên 800 tỉ đồng), thuộc đề án thay mới 1.680 xe buýt, đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt.

Theo chủ trương này, Samco sẽ tự đóng mới phương tiện với mong muốn tiết kiệm chi phí nhập khẩu phương tiện cũng như tạo điều kiện phát triển ngành ôtô trong nước.

Theo Samco, đề án 300 xe buýt sạch có tính đặc thù bởi chi phí đầu tư cao hơn các phương tiện khác. Để khuyến khích xã viên mua xe, Samco kiến nghị thành phố sớm thông qua đề án và có cơ chế hỗ trợ cho người mua xe như: cho nhà đầu tư vay 100% giá xe, trả trong vòng mười năm thay vì 70% trả trong bảy năm, như đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2012 – 2015; đề xuất ngân sách thành phố cấp bù chênh lệch. Theo đó, nhà đầu tư chỉ trả 5% lãi suất vay và 2% chi phí quản lý, thời gian cấp bù lãi suất là bảy năm.

Theo không ít những chủ nhiệm HTX xe buýt (doanh nghiệp tư nhân), nếu đề án 300 xe buýt mà Samco trình được thông qua, thì với những ưu đãi kể trên, dư luận sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao Nhà nước không đưa những ưu đãi Samco yêu cầu thành một chủ trương chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, để dựa vào những ưu đãi này, doanh nghiệp tự quyết trong chuyện mua xe (không nhất thiết phải mua thông qua Samco). Làm như vậy mới gọi là xã hội hoá xe buýt, đẩy nhanh được việc thay áo mới cho xe buýt. Và hơn hết là sẽ không tạo ra việc mất công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

“Nếu được vay 100% giá xe, trả trong vòng mười năm, nhà đầu tư chỉ trả 5% lãi suất vay và được tự quyết mua xe, tôi tin chắc chỉ trong vòng hai năm chúng tôi sẽ chuyển đổi hết sang xe buýt nhiên liệu sạch. Bởi thực tế sử dụng buýt sạch có rất nhiều lợi thế ngoài chuyện xe mới, phục vụ được người khuyết tật mà còn tiết kiệm đến 30% nhiên liệu nên ai không ham. Chẳng qua vướng cơ chế mà thôi”, ông Hải nói.

Theo Đào Lê
Sài gòn tiếp thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG