Nhà nước chỉ đầu tư sân bay quan trọng, những sân bay tỉnh lẻ thực hiện xã hội hóa (trong ảnh: Nhà ga sân bay Nội Bài). Ảnh: Bảo Khánh. |
Nhà đầu tư không mặn mà
Chính phủ đã quy hoạch sân bay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng liệu có địa phương nào dám tự ý xây sân bay, thưa ông?
Thứ nhất, việc quy hoạch sân bay thực hiện theo lộ trình quy hoạch, không có một cảng sân bay nào quy hoạch một cách tự phát. Thứ hai, Chính phủ cũng đã duyệt vai trò và chức năng của từng cảng hàng không. Mỗi cảng có vai trò và chức năng khác nhau.
Mọi người hay nhầm lẫn giữa sân bay và cảng hàng không. Sân bay có quy mô, tính chất nhỏ hơn cảng hàng không, khi mở ra mang tính công cộng không nhiều. Có khi một bãi đỗ nhỏ cho trực thăng cũng gọi là sân bay.
Trong quá trình quy hoạch sân bay, cảng hàng không từng vùng, địa phương phải theo yêu cầu của an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội. Có những tỉnh tuy nhu cầu giao lưu hàng không ít, nhưng do nhu cầu về an ninh quốc phòng, cứu trợ nên cần quy hoạch sân bay và cảng hàng không.
Dự kiến đến 2020 Việt Nam có 26 cảng hàng không và hàng loạt cảng hàng không khác được nghiên cứu xây dựng. Như vậy có quá nhiều?
Mạng cảng hàng không và sân bay đang quy hoạch theo mô hình trục nan. Lấy Hà Nội và TPHCM làm trục chính. Tức là, từ các cảng hàng không chính này sẽ có các đường bay toả đi các nơi. Nước ta đang khai thác 22 cảng hàng không, nhưng so với Nhật Bản-một nước có diện tích và lãnh thổ gần giống Việt Nam thì còn thua xa.
Nhật Bản hiện có 90 cảng hàng không và sân bay. Việc chọn vị trí cảng hàng không dễ do đó cần thiết quy hoạch dự trữ đất trước, để sau này có điều kiện sẽ tiến hành xây dựng.
Cần nói rõ rằng, nhà nước chỉ đầu tư chính những sân bay quan trọng. Những sân bay nhỏ, địa phương tự tìm các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có tư nhân nào đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không. Ví như kêu gọi đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không Chu Lai rất khó. Bởi vì, đầu tư cho hạ tầng sân bay lâu hoà vốn. Xu thế đầu tư nước ngoài vào cảng hàng không là cần thiết.
Ngay cả trong luật hàng không cũng khuyến khích. Nhưng, loại hình gì, phương thức gì đều phụ thuộc từng sân bay và đề xuất của nhà đầu tư... Ngay cả Pháp, Mỹ, chính quyền đều là cổ đông lớn nhất tại những cảng hàng không lớn.
Xây cảng hàng không đừng quên đường cao tốc
Nhiều địa phương thích xây dựng sân bay, vì sao vậy thưa ông?
Nhiều tỉnh yêu cầu đòi hỏi có cảng hàng không là điều dễ hiểu, tuy nhiên, họ cần biết rằng, đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để phát triển kinh tế địa phương. Bản thân các tỉnh đó cần phát huy các yếu tố nội lực, sau đó mới nên tính đến xây dựng cảng hàng không.
Cảng hàng không to hay nhỏ không tác động gì đến thị trường to hay bé lên. Hành khách tới Hà Nội, TPHCM thực tế cũng không phải vì quy mô sân bay, mà họ lựa chọn điểm đến theo nhu cầu. Công tác quy hoạch cảng hàng không là quy hoạch thị trường, khảo sát tình hình kinh tế xã hội.
Với các tỉnh, ai cũng thích sân bay to, thích nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế; tuy nhiên cách thức quy hoạch của mình phải hợp lý. Để tránh xây dựng cảng hàng không và sân bay tràn lan, nhà nước không đầu tư mà nhường cho các doanh nghiệp. Ví dụ, sân bay Thanh Hóa muốn xây dựng được phải chủ yếu phụ thuộc vào các nhà đầu tư, chứ nhà nước sẽ không bỏ tiền ra.
Hiện ở nước ta, cảng hàng không chính (trục) đang nuôi các cảng hàng không nhỏ ở các tỉnh. Bài học về một số cảng hàng không nhỏ ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả do không tính tới sự phát triển của hệ thống đường cao tốc. Do đó, việc cân đối với các loại hình giao thông vận tải để tránh lặp lại như những gì đã diễn ra tại Hàn Quốc là cần thiết.
Các sân bay chính ở nước ta đang quá tải, thưa ông?
Các sân bay trên thế giới khai thác có lợi nhuận đều đang quá tải nhưng ở trong mức độ cho phép. Tại Nội Bài khi thiết kế nhà ga đảm bảo thông qua 6 triệu khách/năm, nhưng đang khai thác với công suất hơn 9 triệu khách.
Tân Sân Nhất đang xảy ra tình trạng thiếu sân đỗ, ách tắc trên trời; nhưng Cục HKVN kiểm tra thường xuyên và đưa ra các giải pháp. Cách thức giảm ách tắc trước mắt là điều chỉnh các quy trình từ dưới mặt đất và trên trời. Từ 2 năm nay, Cục HKVN đã thực hiện các biện pháp giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được khoảng 13 triệu USD.
Cám ơn ông!