Nhà khoa học kêu oan cho thuốc làm chín trái cây

Theo các nhà khoa học, sầu riêng, mít thời gian qua bị oan khi mang tiếng sử dụng chất độc làm chín, thực tế đó là Ethephon, nhóm chất có dinh dưỡng, không phải thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: M.Khoa.
Theo các nhà khoa học, sầu riêng, mít thời gian qua bị oan khi mang tiếng sử dụng chất độc làm chín, thực tế đó là Ethephon, nhóm chất có dinh dưỡng, không phải thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: M.Khoa.
Các nhà khoa học khẳng định, hoạt chất nông dân sử dụng làm chín trái cây hiện nay, cụ thể là Ethephon, là an toàn.

Liên tiếp hàng loạt thông tin về việc nông dân và thương lái buôn bán hoa quả ở Đăk Lawk và miền Đông Nam sử dụng loại hóa chất có tên Ethephon để thúc chín chuối, mít, đu đủ, sầu riêng… khiến người dùng hoang mang. Khá nhiều người cho biết đã bỏ hẳn thói quen ra chợ mua mít, sầu riêng.

Theo ông Lê Hiếu Hữu, chủ một doanh nghiệp kinh doanh rau quả, tại Bình Phước, giá mít hiện chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg nhưng người dân không bán được.

Trái cây muốn xuất khẩu phải dựa hơi

 Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cũng cho biết, thông tin nông sản dính chất cấm, nhúng hóa chất khiến hàng loạt mặt hàng tại miền Tây rớt giá không phanh từ năm 2014. Điển hình như khoai môn từ hơn 20.000 đồng/kg năm 2014 rớt thẳng xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg. Khoai lang trên 15.000 đồng/kg có thời điểm chỉ còn 800 đồng/kg.

Cũng theo ông Lâm Viên, từ năm 2014, các doanh nghiệp nhập khẩu đã siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với hàng nông sản Việt Nam.

Một số đơn vị còn đặt quy định kiểm duyệt cao ngang với hàng Trung Quốc. Việc này khiến người tiêu dùng tại thị trường Bắc Mỹ, châu Á và cả Trung Quốc e dè sản phẩm của Việt Nam.

Giá nông sản Việt rớt mạnh buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải lách, bằng cách "dựa hơi" nước khác.

“Các nhà nhập khẩu khuyên chúng tôi nếu muốn xuất trực tiếp thì chịu giá thấp, còn giữ giá phải xuất qua Thái Lan, Đài Loan, để bạn xuất tiếp sang thị trường quen của chúng tôi. Tôi vừa phải thành lập một công ty tại Đài Loan để chuyển tiếp xuất khẩu hàng vào châu Mỹ. Cứ đà này chúng ta sẽ không còn sản phẩm Made in Vietnam”, ông Lâm Viên chia sẻ.

Ethephon có oan?

Các nhà khoa học cho rằng, Ethephon không độc, là hoạt chất được sử dụng trong nông nghiệp, nhưng do truyền thông chưa đúng nên đã gây hiểu lầm trong dư luận, tạo sự hoang mang, lo lắng cho cả nông dân và người tiêu dùng.

Nhà khoa học kêu oan cho thuốc làm chín trái cây ảnh 1

Người tiêu dùng hoang mang với nhiều loại phân bón lá nhưng có tác dụng làm chín trái cây đang lưu hành trên thị trường. Ảnh: H.L.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới khẳng định: Cách đây 20 năm từng có một Hội đồng khoa học đánh giá chất Ethephon, và thống nhất đưa vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng, chứ hoàn toàn không phải là thuốc bảo vệ thực vật.

Bản thân chất này được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều.

Song vị này cũng lưu ý, nếu nông dân sử dụng Ethephon không rõ nguồn gốc, hoặc dùng không đúng liều lượng thì sẽ không đảm bảo sức khỏe và khó quản lý.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp cũng cho biết, từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều. Việc phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học.

Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối...

Cho dù các nhà khoa học khẳng định Ethephon không độc hại, nhưng việc sử dụng như thế nào hiện nay chưa được quản lý.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, không nên dùng Ethephon ép chín trái cây một cách quá nhanh. Thay vì ép chín một ngày thì nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín kéo dài ba bốn ngày.

Nhà khoa học kêu oan cho thuốc làm chín trái cây ảnh 2 Hóa chất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng bán trôi nổi trên thị trường.
“Trong quá trình bảo quản, lưu thông, hoạt chất Ethephon trong trái cây sẽ bốc hơi chứ không còn tồn dư”, ông Nghĩa khẳng định. Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu để trái cây chín tự nhiên có tốt hơn sử dụng Ethephon, ông thừa nhận “chất lượng trái cây chín tự nhiên tốt hơn."

Thực tế, thông tin từ Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, trên thị trường không chỉ có Ethephon. Khá nhiều hóa chất xử lý trái chín có nguồn gốc Trung Quốc hoặc một số hãng của nước ngoài trôi nổi, không kiểm soát. Các thuốc lấy tên khác nhau như “Hoa quả thúc chín tố” (Trung Quốc), “Trái chín” (Việt Nam),…

Ngoài ra, nông dân vẫn dùng đất đèn ủ chín trái cây. Trong đất đèn có chứa arsenic và phosphorus độc, khi gặp nước tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt…

Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng hoá chất, các thuốc bảo vệ thực vật để chống côn trùng, vi khuẩn, nấm mốc giữ trái cây lâu hư, có thể giữ nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Theo một số nhà vườn, cùng mặt hàng trái cây như nhau, nhưng nếu sản phẩm của mình đẹp, bắt mắt thì luôn được thương lái ưu tiên mua. Nhà có vườn chôm chôm, khi trái sắp đến độ chín, chủ vườn sẽ mua vài chai thuốc nhỏ về pha loãng phun trực tiếp lên trái. Phun thuốc hôm trước, hôm sau vườn chôm chôm đã chín đều đồng loạt. Ngoài trái đẹp bán được giá, thì vườn cây chín đều sẽ lợi thêm được công thu hoạch.

Vườn sầu riêng của nhiều hộ trong vùng đều dùng loại thuốc này, nhẹ thì phun xịt lên trái, còn không thì pha thuốc vào nước nhúng cả trái vào, trái sẽ chín đều. Sầu riêng chưa đến độ chín, sầu riêng sượng cũng thành chín.

Bà Trương Thị Thành, Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật thì hoạt chất Ethephon thuộc nhóm 4 (khuyến cáo nguy hiểm). Hoạt chất này khi gặp nước sẽ chuyển hóa thành ethylene. Hoạt chất làm chín nhanh khi ngấm vào trái cây chuyển hóa thành ethylene. Song chất này nếu vào cơ thể con người với liều lượng mỗi ngày không vượt quá 0,05 mg/kg cân nặng vẫn an toàn.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG