Theo DigitalJournal, chiếc kính này có khả năng tạo ra năng lượng nhờ các tấm pin tích hợp có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời. Các tấm pin hữu cơ trong mắt kính có cấu tạo đặc biệt từ các vi mạch điện tử có khả năng thay đổi hình dạng, màu sắc.
Năng lượng thu được có thể sử dụng để đo cường độ chiếu sáng, nhiệt độ môi trường và chạy các thiết bị điện tử như bộ trợ thính hay một chiếc loa nhỏ.
Nguyên mẫu kính thử nghiệm Solar Glasses sử dụng năng lượng thu được từ mắt kính để vận hành bộ vi xử lý và hai màn hình nhỏ ở phần gọng kính. Trọng lượng trung bình của kính tương đương với một chiếc kính mát.
Solar Glasses hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm năng lượng hữu ích trong tương lai. Đặc biệt, nếu công nghệ trên Solar Glasses có thể ứng dụng trong sản xuất kính cửa sổ các tòa nhà, chúng có thể đem lại nguồn năng lượng tái tạo đáng kể.
Đáng chú ý, Solar Glasses không chỉ hoạt động trong những ngày nắng, chúng hoàn toàn có thể hoạt động trong môi trường chiếu sáng thông thường như văn phòng. Tuy nhiên, kính sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Ngay cả điều kiện ánh sáng trong nhà, mỗi chiếc kính Solar Glasses có thể tạo ra lượng điện 200 mW (microwatt), đủ cấp điện cho một chiếc máy trợ thính hoặc bộ đếm bước chân.
Nghiên cứu về Solar Glasses đã được đăng tải trên tạp chí Energy Technology mới đây.