Nhà khoa học, doanh nghiệp lợi gì từ dự án 2.300 tỷ đồng?

Nhà khoa học, doanh nghiệp lợi gì từ dự án 2.300 tỷ đồng?
TP - Dự án ODA lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ trước đến nay với tổng mức đầu tư 110 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) sẽ tạo cơ chế đãi ngộ đặc biệt để các nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cống hiến cho nền khoa học công nghệ trong nước.

> Làm nông nghiệp thôi thì chỉ ổn, không giàu
> Vì sao nông dân viết đơn trả ruộng?

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) từ nguồn vốn ODA của ngân hàng thế giới kéo dài từ 2013 đến 2019.

Một trong những mục tiêu cơ bản của dự án là thực hiện chính sách thu hút các nhà nghiên cứu giỏi nước ngoài và nhà khoa học là Việt kiều làm việc cho các dự án khoa học công nghệ trong nước. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Việt Nam có 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài, nhưng hằng năm mới chỉ tiếp cận được vài trăm người. Để thu hút các nhà khoa học Việt kiều cống hiến cho đất nước, dự án dành số tiền sáu triệu USD.

Theo PGS.TS Trần Quốc Thắng, dự án sẽ mời các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp hoặc nhóm các nhà khoa học trong nước gửi đề xuất về hợp tác khoa học với các nhà khoa học nước ngoài hoặc nhà khoa học là Việt kiều.

Qua đó thực hiện các dự án liên kết nghiên cứu, phát triển phương pháp nghiên cứu, khuyến khích đầu tư về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Mỗi dự án được thông qua sẽ được tài trợ tối đa 200.000 USD. Trước mắt sẽ thí điểm hai phương thức ngắn hạn và dài hạn.

Chương trình ngắn hạn tạo điều kiện cho các nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học là Việt kiều làm việc với các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp Việt Nam tối đa sáu tháng, chương trình dài hạn kéo dài 6-12 tháng. Bốn lĩnh vực được ưu tiên thực hiện là: cơ khí chế tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; công nghệ thông tin và truyền thông. Các lĩnh vực khác như trắc địa bản đồ, khí tượng thủy văn và môi trường cũng được khuyến khích.

Hỗ trợ tổ chức KHCN công lập chuyển sang tự chủ

47 triệu USD trong số 110 triệu USD của dự án sẽ dùng để hỗ trợ việc chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập từ mô hình truyền thống, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước sang mô hình tự chủ, tự hạch toán theo kinh tế thị trường.

15 tổ chức khoa học công nghệ công lập trên bốn lĩnh vực là cơ khí chế tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học và nông nghiệp; vật liệu mới; công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được ưu tiên thực hiện. Mỗi tổ chức nhận được khoản tài trợ 2-4 triệu USD và phải hoàn thành việc chuyển đổi trong 24 tháng.

Ngoài ra dự án sẽ hỗ trợ việc liên kết các nhà khoa học với doanh nghiệp. Hai nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ dự án là các doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp dựa trên công nghệ và các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ thông qua việc chuyển giao và làm chủ công nghệ, liên kết đổi mới các viện nghiên cứu, trường đại học.

Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ nhận được số tiền tối đa 0,5 triệu USD. Việc hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu có số tiền tài trợ hơn 1,5 triệu USD. Ngoài ra một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ nguồn có trị giá 15 triệu USD sẽ được xây dựng ở khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc để đẩy nhanh công cuộc xúc tiến, thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ.

Xây dựng mạng lưới nhà khoa học Việt kiều

Dự án FIRST sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt kiều, du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc và sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong các tổ chức nghiên cứu. Các thông tin bao gồm nhân khẩu, trình độ, bằng cấp, nơi công tác, các công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học. Trước đó chưa có một thống kê đầy đủ và cập nhật về nội dung này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG