Nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào Bình Dương

Ông Lê Thanh Cung trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Bình Dương
Ông Lê Thanh Cung trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Bình Dương
TP - Hơn 20 ngày sau vụ diễu hành gây rối xảy ra ở Bình Dương, ngày 4/6, lãnh đạo tỉnh này tiếp tục trao giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án của các doanh nghiệp nước ngoài với tổng số vốn hơn 146 triệu USD.

Sáng 4/6, một số doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Tây Ban Nha, Brunei… có mặt tại khu hành chính của tỉnh Bình Dương để nhận giấy chứng nhận đầu tư. Ông Mai Thế Trung - Bí thư Tỉnh ủy cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cùng có mặt tiếp đón. “Chúng tôi đã và đang tích cực tạo môi trường đầu tư thuận lợi tốt nhất cho các bạn”- ông Cung chia sẻ.

Theo ông Cung trong đợt này có 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn gần 131 triệu USD và 8 dự án bổ sung vốn với tổng vốn hơn 66 triệu USD. “Nhiều nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”- ông Cung nói và cho biết thêm trong đợt này các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư 5 dự án mới với tổng số vốn hơn 18 triệu USD, còn Đài Loan đầu tư 3 dự án với số vốn 7,5 triệu USD.

Ông Lin Chiu Ming - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Gia đến từ Trung Quốc nói, đầu tư vào Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của công ty. “Sự cố vừa qua chỉ là tức thời do đối tượng quá khích, Công ty chúng tôi đầu tư vì đây là môi trường thuận lợi”- ông Lin Chiu Ming nói.

Đại diện Công ty TNHH Chrysanthemum Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản cho biết, rất cân nhắc khi đầu tư vào đây với tổng số vốn 12 triệu USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm hiểu họ nhận thấy đây là môi trường tốt để phát triển ngành nghề. “Ở đây có lao động rẻ, thông minh và cần cù. Trong khi các chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Dương và nhà nước luôn ưu tiên cho các nhà đầu tư”- đại diện công ty nói.

97% doanh nghiệp hoạt động trở lại

Ngày 4/6, ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 97% công ty bị thiệt hại đã hoạt động và trên 95% công nhân, chuyên gia đã đi làm lại. Theo ông Nguyễn Phùng Trung - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bình Dương vẫn còn 10 doanh nghiệp bị cháy cơ sở, chưa hoạt động trở lại với số lao động đang bị ảnh hưởng gần 19.000 người, trong đó có Công ty giày da Thông Dụng với hơn 8 nghìn công nhân. “Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy công ty này đã xây dựng lại 4 nhà xưởng và tiếp nhận 4.500 công nhân đi làm trở lại”- ông Trung nói. Tỉnh sẽ gấp rút để giải quyết số lao động đang thất nghiệp này trong nay mai. “Hiện các khu công nghiệp vẫn đang thiếu lao động khá nhiều và chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết hết trong tháng này”- ông Trung cho hay.

Nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào Bình Dương ảnh 1

Doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại sau sự cố

Theo ông Trần Văn Nam, một số doanh nghiệp ở TPHCM và Long An muốn chia sẻ số lao động thất nghiệp nhưng nhu cầu việc làm ở Bình Dương vẫn rất cao. Theo ông Phạm Văn Hảo - Giám đốc Sở Tài chính, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã nộp đầy đủ thống kê thiệt hại. Tuy nhiên theo ông Hảo, vẫn còn khó khăn do việc thẩm định mức thiệt hại, cũng như xác định thiệt hại là tiền mặt và tài sản cá nhân bị cháy…

Được biết, Bình Dương tiếp tục đứng đầu cả nước về thu hút dự án nước ngoài với tổng số vốn từ đầu năm đến nay hơn 890 triệu USD, đạt 90% kế hoạch năm 2014 mà tỉnh đề ra. Trong 5 tháng đầu năm 2014, Bình Dương thu hút 58 dự án và 53 dự án tăng vốn.

Tăng nhân sự “tinh nhuệ” giúp Đồng Nai, Bình Dương

Tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 chiều qua (4/6), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần huy động, tăng cường nhân sự “tinh nhuệ” nhất để giúp Bình Dương và Đồng Nai, đẩy nhanh hỗ trợ DN bị thiệt hại thời gian qua.

Ông Lộc cho hay, hiện tới 98-99% các doanh nghiệp bị thiệt hại sau các vụ gây rối, bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã quay trở lại hoạt động bình thường. Để việc hỗ trợ các DN bị thiệt hại nhanh hơn, Chủ tịch VCCI đề nghị các địa phương thiết lập ngay cơ chế một cửa - một Ban chỉ đạo thống nhất, ít nhất phải do Phó chủ tịch tỉnh, hoặc Chủ tịch tỉnh đứng đầu. Có một cơ quan đầu mối có khả năng giải thích, hướng dẫn và giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp các DN bị thiệt hại, nhất là bảo đảm tiền lương, công ăn việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, quá trình hỗ trợ DN bị hại lần này cần công khai, minh bạch, để các DN khác thấy rằng, sự hỗ trợ đó là thỏa đáng. “Nhiều năm trước tính minh bạch ở Việt Nam chưa được đánh giá cao, đây là cơ hội để các bạn xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh” - bà Virginia Foote nói.

Phạm Anh

MỚI - NÓNG