Nhà báo Tạ Bích Loan là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền hình. Tên tuổi chị từng gắn với nhiều chương trình có sức hút như: 60 phút mở, Người đương thời, Khởi nghiệp… Dấu ấn của chị ở các chương trình này như thế nào?
60 phút mở
“60 phút mở” là chương trình được xây dựng theo format của nước ngoài với sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Bích Loan. Chương trình khơi gợi nhiều vấn đề nóng và gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là sau số phát sóng có sự tham gia của MC Phan Anh ngày 27/5/2016.
Với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”, MC Phan Anh cùng các nhà báo, chuyên gia tâm lý, nhiếp ảnh gia cùng nêu ra quan điểm của mình xung quanh vấn đề này, dưới sự dẫn dắt của MC Tạ Bích Loan.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ở cuộc tranh luận này MC Phan Anh bị đem ra “đấu tố”. Xuất phát từ nội dung một clip chưa được xác thực mà MC Phan Anh từng chia sẻ trước đó trên trang cá nhân bị đặt câu hỏi: “Động cơ anh chia sẻ trên mạng xã hội là gì?”. Điều này đã tạo hiệu ứng ngược trong dư luận, tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Thậm chí có người kêu gọi tẩy chay, yêu cầu VTV ngừng phát sóng 60 phút mở.
Nói về “60 phút mở”, nói về Tạ Bích Loan, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Đây là chương trình rất hay. Ở đó, những vấn đề nóng được tung ra và người liên quan đến vấn đề nóng ấy cọ xát với những truy đuổi chất vấn của những vị khách mời. Căng thẳng, kịch tính, sòng phẳng, minh bạch và cuối cùng người xem sẽ nhận được một thông điệp, một câu trả lời, một ý tưởng, một thông tin.
Trong làng báo Việt, nhất là trong lĩnh vực truyền hình, nhà báo Tạ Bích Loan là của hiếm. Chị thông minh, sắc sảo, hoạt ngôn, có sức thu hút mạnh mẽ". Tuy nhiên, nhà văn Quang Vinh không đề cao chương trình này vì cho rằng đó là cách làm áp đặt.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, nhiều người lại bày tỏ sự nể phục với cách châm ngòi dư luận và bản lĩnh của MC Tạ Bích Loan khi dám đi thẳng vào những vấn đề gây tranh cãi. Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình vẫn được thực hiện đều đặn, và đưa được nhiều thông điệp ý nghĩa đến với khán giả.
Người đương thời
Chương trình “Người đương thời” được phát trên sóng VTV3 lần đầu tiên vào năm 2001. Trong suốt 11 năm phát sóng, “Người đương thời” gặp gỡ và trò chuyện với hơn 500 khách mời có cống hiến và đóng góp nổi bật.
Đặc biệt, “Người đương thời” còn là cầu nối giúp nhiều thân nhân liệt sĩ tìm thấy tung tích người thân sau nhiều năm thất lạc. Chương trình chính thức ngừng phát sóng sau số cuối vào ngày 8/2/2013. Tuy nhiên, nhắc đến “Người đương thời”, khán giả không quên nhắc nhớ tới nhà báo Tạ Bích Loan. Có thể xem chị như linh hồn của chương trình có nhiều ý nghĩa nhân văn này.
Từng là nhân vật khách mời của “Người đương thời”, nhà báo Dương Xuân Nam đã ghi lại những ấn tượng của ông về chương trình và về nhà báo Tạ Bích Loan như sau: “Dù tôi đã nhiều lần được và “bị” phỏng vấn nhưng chưa bao giờ tôi gặp phải những câu hỏi quá hóc búa và nhiều bất ngờ như khi ngồi trên ghế nóng của chương trình “Người đương thời”. Cả khi Tạ Bích Loan đưa ra một bức tranh do một độc giả vẽ tôi “đi xuyên tường”, phải mất mấy phút lúng túng tôi mới hiểu người ta muốn nói gì! Tôi đâu dám nhận mình là người liều lĩnh đến mức như vậy…
Những câu hỏi sắc sảo, thông minh, cùng bức tranh với nhiều ẩn ý sâu xa của MC Tạ Bích Loan lúc đó làm tôi có phần khó chịu. Nhưng về sau mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy nhà báo Tạ Bích Loan thật biết cách thu hút khán giả, biết cách khai thác chiều sâu của con người, của sự kiện, dày công sắp đặt để có một chương trình truyền hình thực sự hấp dẫn. Và tôi có cảm tình với Tạ Bích Loan từ đó.
Nhiều người trong làng báo gọi MC Tạ Bích Loan là “cô nàng một tạ”. Thậm chí, có nhà báo còn dùng biệt danh này để giật tít cho một bài viết về Tạ Bích Loan. Tôi hỏi tác giả bài báo rằng: Tạ Bích Loan nhỏ nhắn, xinh xắn như vậy sao lại gọi là “cô nàng một tạ”? Tác giả bài báo nói: Vì trước hết Bích Loan họ Tạ. Nhưng điều quan trọng hơn là các show truyền hình của Tạ Bích Loan đều có sức nặng… “hàng tạ”!”.
Đường lên đỉnh Olympia
Có thể nhiều người không còn nhớ, Tạ Bích Loan là MC đầu tiên của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Được biết, chị chính là người đưa ra ý tưởng về “vòng nguyệt quế”- phần thưởng dành cho những nhà vô địch trong mỗi hành trình chinh phục đỉnh Olympia. Số đầu tiên phát sóng là 10h sáng ngày 21/3/1999. Cho đến ngày 26/3/2000, MC Tạ Bích Loan dẫn lần cuối trong đêm chung kết. Sau đó, chị trao lại vị trí này cho MC Tùng Chi.
Với 1 năm gắn bó với “Đường lên đỉnh Olympia trong vai trò MC và đạo diễn, Tạ Bích Loan đã có những dấu ấn riêng của mình. Cũng có thể xem công của chị giống như những người đặt nền móng để chương trình có chỗ đứng riêng, nhất định trong lòng khán giả.
Đến nay, sau 18 năm lên sóng, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” vẫn có sức hút và giá trị riêng trong hệ thống sân chơi và gameshow truyền hình. Nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ một “cuộc chơi kiến thức” để trở thành cơ hội, cầu nối đi tới thành công cho các em học sinh THPT.
Khởi nghiệp
“Khởi nghiệp” là chương trình đầy tính nhân văn mà Tạ Bích Loan cùng những đồng nghiệp VTV dành tặng những người mơ ước và nỗ lực làm giàu bằng kinh doanh.
Nói về “Khởi nghiệp”, nhà văn Lê Lựu chia sẻ: “Điểm độc đáo của chương trình chính là sự gặp gỡ giữa hai ý tưởng: ý tưởng sáng tạo của những người làm chương trình và ý tưởng kinh doanh độc đáo của người chơi. Con người có nhiều cách để khởi nghiệp, có người nhờ vào mối quan hệ quen biết, có người “rình” để học tập cách làm ăn. Sân chơi này là một cách giúp các em tiếp cận thực tế cuộc sống. Sách vở rất cần thiết nhưng thực tế cuộc sống còn cần thiết hơn”.
Trong khi đó, nhà báo Tạ Bích Loan nói về “con đẻ” của mình như sau: “Mong muốn của chúng tôi trong “Khởi nghiệp” là thúc đẩy khát vọng làm giàu, xây dựng doanh nghiệp của những người đang bước vào thương trường nhưng họ chưa có được sự giúp đỡ hoặc đang gặp vô vàn những khó khăn, bỡ ngỡ. Điều quan trọng không chỉ là những người tham gia Khởi nghiệp thu nhận được gì, mà là tất cả khán giả sau khi xem cảm thấy một sự khích lệ, thúc đẩy rằng “nếu mà mình có thể làm được như họ...”, hoặc ít ra có thể hiểu “khởi nghiệp là như thế đấy”. Sâu xa hơn là hàng ngàn, chục ngàn người đang ôm ấp một hoài bão, một khát vọng vươn lên trong cuộc sống để tìm ra, khẳng định được vị trí của mình, làm được điều gì đó có ích cho xã hội, nhưng họ chưa biết bắt đầu như thế nào, hoặc có thể đã bắt đầu nhưng đang còn lúng túng”.