Tạ Bích Loan: Tôi đã có cảm giác hụt hẫng...

Tạ Bích Loan: Tôi đã có cảm giác hụt hẫng...
Những chương trình có sự dẫn dắt của Tạ Bích Loan đều được dư luận quan tâm đặc biệt. Điều đó cũng dễ hiểu: chị được coi là một trong những MC truyền hình hàng đầu hiện nay.

Tạ Bích Loan: Tôi đã có cảm giác hụt hẫng...

Những chương trình có sự dẫn dắt của Tạ Bích Loan đều được dư luận quan tâm đặc biệt. Điều đó cũng dễ hiểu: chị được coi là một trong những MC truyền hình hàng đầu hiện nay.

Tạ Bích Loan: Tôi đã có cảm giác hụt hẫng... ảnh 1
 

Tạ Bích Loan vẫn đang tất bật với talk show Chuyện đương thời (phát sóng trên VTV1 từ tháng 1/2013). Tên của chương trình khiến người hâm mộ nghĩ ngay đến Người đương thời - một talk show rất thành công của chị được duy trì suốt 11 năm trên sóng đài truyền hình Việt Nam.

Thêm một “cái phao của lòng tốt”

Thưa chị Tạ Bích Loan, thực sự ý tưởng xây dựng Chuyện đương thời đã đến với chị như thế nào, và có liên quan gì đến Người đương thời không?

Trong giai đoạn này cuộc khủng hoảng kinh tế đang dẫn đến những hệ lụy đối với xã hội như sự thất vọng, mất niềm tin ở tương lai, thoái chí, giận dữ và sợ hãi.

Bên cạnh đó những giá trị ảo như đồng tiền, sự giàu có vật chất được đề cao quá mức trong giai đoạn kinh tế hưng thịnh trước đó càng khắc sâu thêm cảm giác bất lực và thất bại khi chúng ta đối mặt với thực trạng khó khăn hiện tại của “kinh tế buồn”.. Những tít báo có nội dung tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí làm chúng ta nghĩ tới khủng hoảng tinh thần không có lối thoát sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Sự bế tắc trong cuộc sống dẫn đến mất lòng tin ở lòng tốt của những người xung quanh và đáng sợ hơn là mất lòng tin ở chính mình.

Trong cuộc gặp mặt với những Người đương thời, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa – giám đốc chiến lược FPT đã từng nói “Xã hội đang rất cần những cái phao của lòng tốt”. Chính từ thực tế đó, Chuyện đương thời ra đời.

Trên facebook của chương trình có ghi rằng "Chuyện đương thời" là chương trình “đối thoại về những vấn đề nóng của xã hội”. Xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề nóng, vậy tiêu chí nào để chị lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình?

Tiêu chí lựa chọn đề tài là Tính thời điểm và sự Tác động tới số đông. Ví dụ đề tài Làn sóng Việt lên sóng đầu năm 2013 chọn vấn đề đương thời là các doanh nghiệp Việt Nam đang mất lòng tin ở chính mình và vì thế để mất cơ hội ngay trên sân nhà trong khi đó chúng ta không hề biết rằng có những sản phẩm Việt Nam chinh phục người tiêu dùng quốc tế như câu chuyện Bánh mì Việt ở Mỹ.

Câu chuyện Gangnam Style tạo ra một làn sóng đẩy tiếp làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới khiến chúng ta rất phải suy nghĩ về làn sóng Việt. Chúng ta có cái gì và có thể chinh phục thế giới được không khi chúng ta chưa tự nhìn ra được điểm mạnh của chính mình?

“Cho và Nhận quà thế nào cho phải” là câu chuyện được bàn trong dịp Tết 2013 khi câu hỏi đó đang làm đau đầu nhiều người lúc đi mua quà cũng như khi được tặng quà. Chắc rằng nhiều người cũng như tôi chưa lý giải được đến tận cùng gốc rễ sâu xa của tâm lý mang ơn mắc nợ và chưa tìm ra được nguyên tắc ứng xử hợp lý nhất cho muôn vàn trường hợp của cuộc sống.

Đề cập đến cặp phạm trù cho-nhận, chương trình muốn cùng khán giả nhìn ra nếu như chúng ta cho-nhận không đúng thì có thể mang lại những hậu quả gì như trong vấn đề xóa đói giảm ngheò có thể tạo ra sự lệ thuộc và bức tường vô hình cho sự phát triển, hoặc những hệ lụy rõ nét nhất của cho và nhận không đúng lẽ phải là sự tham nhũng tràn lan và thất thoát khổng lồ cũng như tha hóa về đạo đức...

 Với bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM
Với bà Phạm Phương Thảo - Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Tôi đã có cảm giác hụt hẫng…

Bên cạnh những lời khen ngợi dành cho chương trình, cũng có ý kiến một bạn cho rằng có một số chương trình hơi “lan man”. Chị nghĩ sao về nhận xét đó?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Chuyện đương thời là một dạng talk show diễn giải vấn đề và đi từ vấn đề cá nhân tới các vấn đề xã hội và ngược lại, nên có thể khán giả sẽ cảm thấy chương trình đề cập đến nhiều nội dung.

Thực ra xuyên suốt mỗi chương trình là một chủ đề cốt lõi. Ví dụ như chủ đề “Đổ lỗi” đi từ câu chuyện cách người ta dỗ con khi bị ngã là đánh chừa đất (đổ lỗi cho đất làm con đau), cho đến chuyện đoàn làm phim Con gà trống của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: khi bị mất gà thì tổ đạo cụ đổ cho tổ diễn viên vì cho rằng con Gà là diễn viên chứ không phải đạo cụ.

Ở góc độ xã hội, khi bị tắc đường và được hỏi ai có lỗi thì mọi người đổ lỗi cho vỉa hè, cho công an, thậm chí cho cả việc xây dựng bệnh viện ở vị trí đông người nhưng không một ai nói rằng tôi đã góp phần như thế nào vào việc tắc đường và tôi có thể làm gì để giảm bớt ùn tắc.

Xuyên suốt các câu chuyện này là câu hỏi: vì sao chúng ta luôn đổ lỗi và thường là đổi lỗi cho những người yếu thế hơn? Thói quen đổ lỗi có hệ lụy gì với cuộc sống của mỗi người? Và làm thế nào để mỗi người nhìn thấy phần trách nhiệm của mình mỗi khi xảy ra những sự việc không mong muốn?

Tuy nhiên có khán giả cảm thấy “lan man” có nghĩa là tôi và nhóm làm chương trình Chuyện đương thời phải cố gắng làm sắc nét hơn thông điệp xuyên suốt của mỗi chương trình.

Ở số 2 có chủ đề về sự lựa chọn, chương trình có đề cập đến việc thương hiệu Phở 24 được bán cho nước ngoài. Sự dẫn dắt xung quanh Phở 24 được thực hiện công phu, nhưng đến lúc “mở nút”- lúc chị hỏi khán giả có muốn nghe chính chủ nhân của Phở 24 nói về lý do ông bán Phở 24 và khán giả rất hào hứng - thì lại ông Lý Quý Trung lại không nhấc máy. Mặc dù chị đã có lời giải thích với khán giả, nhưng người xem không khỏi thấy hụt hẫng. Lúc đó chị có cảm giác thế nào?

Cảm ơn bạn vì một câu hỏi rất hay. Đúng là tôi cũng đã có cảm giác hụt hẫng khi không kết nối được với anh Trung vì một vấn đề nóng mà nhiều người đang muốn hỏi. Tuy nhiên tôi cũng rất coi trọng diễn biến thật của câu chuyện nên đã để nguyên phần này khi phát sóng. Trước khi phát chúng tôi có thông báo với anh Trung. Sự im lặng của anh Trung đã phần nào được giải đáp bởi các khách mời và nó cũng làm rõ sự cân đong đo đếm giữa được và mất của mỗi doanh nghiệp khi ra quyết định nhất là những quyết định mang tính sống còn.

 Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - một khách mời của chương trình
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - một khách mời của chương trình.

Nếu không làm truyền hình thì sẽ làm huấn luyện viên thể dục nhịp điệu

Tôi tình cờ tìm được một chương trình dạy về dẫn chương trình cho các bạn trẻ được quảng cáo trên mạng rằng: “Tạ Bích Loan ư? Bạn có thể làm hơn thế nữa!”. Chị cảm thấy thế nào?

Tạ Bích Loan: Cảm ơn bạn đã cho tôi biết, tôi sẽ “đòi” phí sử dụng tên cá nhân cho quảng cáo.

Chị là một MC nổi tiếng thông minh và có thể làm cho khách mời bối rối với những câu hỏi thú vị của mình. Chị có bao giờ gặp khó khăn khi mời một người tham gia chương trình của mình?

Chương trình Chuyện đương thời không gặp khó khăn bằng chương trình Người đương thờitrước kia vì người ta không sợ bị “không may” sau khi xuất hiện và nói về những thành công của mình.

Chị nhận xét gì về các talk show ở Việt Nam hiện nay?

Có một khán giả đã từng hỏi “xem talkshow có chán không vì chỉ là hai người nói qua nói lại?”.Tôi nghĩ cũng như trong cuộc sống chúng ta thích thú quan sát và nghe hai người “nói qua nói lại” nếu như họ có những cách lập luận sắc sảo, những câu chuyện chân thực cảm động, những kiến thức mới mẻ và sâu sắc.

Chúng ta cũng thích xem người ta có thể “thoát hiểm” trước những câu hỏi khó như thế nào hoặc cùng nhau khám phá ra cách giải quyết một vấn đề khó như thế nào. Nghệ thuật của đối thoại/tranh luận là điều đặc biệt mà một chương trình talk show hay có thể mang tới phục vụ khán giả.

Có vẻ như chị thích đọc sách về định hướng tâm lý, quản lý, kinh doanh, phát triển bản thân? Chị có một “cuốn sách thay đổi cuộc đời” của mình không?

Tôi rất sợ mang tiếng là mọt sách nhưng thực sự “trong sách có tất cả câu trả lời cho những gì chúng ta cần tìm kiếm trong cuộc đời” đây là một câu trong cuốn Bí quyết thành công của Jack Canfield. Tôi có rất nhiều cuốn sách tâm đắc ví dụ như Điểm bùng phát, Yếu tố kết dính, Xây dựng để trường tồn... Nhiều quyển hay quá, cứ kể ra quyển này thì lại cảm thấy có lỗi với quyển kia.

Nếu không làm việc liên quan đến truyền hình, báo chí nữa thì chị nghĩ rằng sẽ làm gì?

Tôi sẽ làm huấn luyện viên Thể dục nhịp điệu.

Theo Phạm Thu Nga
Ảnh: Nghĩa Phạm
Duyên Dáng Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.