Nguyễn Xuân Tiệp 'hướng thiền'

Nguyễn Xuân Tiệp 'hướng thiền'
TP - Với Nguyễn Xuân Tiệp, quá trình “độc thoại” dường như diễn ra bất tận trong nghệ thuật. Giờ đây, tranh của ông gần như không còn biểu hình mà đã chuyển hẳn sang biểu ý.

Trong khá nhiều bức tranh, vẫn còn nhận ra những khuôn mặt, hay bóng dáng của cây, hoa, nước… nhưng tất cả không còn ý nghĩa cụ thể của vật, mà là ý của tâm tưởng nghệ sĩ.

Tại lễ khai mạc triển lãm, nhà thơ - hoạ sĩ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “tôi đã chìm vào trong sự tĩnh lặng và hình như đã nhận thấy sự thiền định trong những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp”. Có thể Nguyễn Quang Thiều chưa nói hết ý? Bởi cũng có thể gọi yếu tố tinh thần trong tranh Nguyễn Xuân Tiệp là “thiền”, nhưng nếu gọi “hướng thiền” có lẽ đúng hơn. 

Loạt tranh lần này của họa sĩ dù vẫn mang tên “Độc thoại”, nhưng tinh thần có khác so với “Độc thoại” diễn ra cách đây chừng 5 tháng, cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Được sáng tác gần đây hơn (vài năm trở lại đây, trong khi triển lãm trước là những tranh cách đây chừng 20 năm), dường như thế giới nội tâm của Nguyễn Xuân Tiệp thay đổi. 

Chất dịu dàng và bình lặng vẫn còn, nhưng đang nhường chỗ cho những xung đột nội tâm. Rất tĩnh lặng bề ngoài nhưng sôi sục bên trong. Điều này cũng bộc lộ trong cách dùng màu của họa sĩ.

Nguyễn Xuân Tiệp 'hướng thiền' ảnh 1
Nguyễn Xuân Tiệp 'hướng thiền' ảnh 2

Tác phẩm của Nguyễn Xuân Tiệp trong triển lãm lần này.

Giấy dó vẫn chiếm đa số trong loạt tranh lần này ở “Độc thoại”. Họa sĩ có trưng bày một số bức sử dụng kỹ thuật tổng hợp trên toan, nhưng dù chất liệu khác nhau thì tinh thần vẫn thống nhất. 

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - người bạn lâu năm của Nguyễn Xuân Tiệp nói: “Dường như Dó Việt đã để một Ngôi Đền Thiêng cho Nguyễn Xuân Tiệp bay lượn phiêu lãng, độc hành và độc thoại”.

   

Tại triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp trưng bày 30 bức tranh. Khai mạc chiều ngày 12/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Nguyễn Xuân Tiệp và Độc thoại” diễn ra đến hết ngày 22/5.


MỚI - NÓNG