Nguyễn Vĩnh Tiến: Không... lùi!

Nguyễn Vĩnh Tiến: Không... lùi!
Tiến tham gia vào đủ lĩnh vực. Và lĩnh vực nào anh cũng tìm ra một con đường sáng tạo. Lần đầu tôi biết Nguyễn Vĩnh Tiến với tư cách là thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa: viết văn và làm thơ...
Nguyễn Vĩnh Tiến: Không... lùi! ảnh 1
Nguyễn Vĩnh Tiến - Ảnh: NetMode

Mấy năm sau nghe một anh bạn học kiến trúc khoe: "Nguyễn Vĩnh Tiến học cùng lớp anh. Nhưng hắn chả học hành gì, suốt ngày lang ba lang bang".

Thời gian nữa lại nghe: Tiến được học bổng đi Pháp, rồi lấy vợ. Sau đó có liền một hơi hai đứa con gái... Còn bây giờ, người ta nhắc nhiều đến Tiến với tư cách là nhạc sĩ.

Nhiều lúc tôi cứ hoang mang không biết tất cả những Nguyễn Vĩnh Tiến ấy có trùng với Nguyễn Vĩnh Tiến mà mình biết hay không?

Luôn bất ngờ

Lần phỏng vấn đầu tiên của tôi với Nguyễn Vĩnh Tiến chả giống ai. Bài gấp, tôi muốn gửi câu hỏi qua e-mail cho tiện, nhưng anh kiên quyết: "Phải gặp mới trả lời".

Khi tôi đến đã thấy Tiến chỉnh tề ngồi tại bàn làm việc với một xấp giấy A4 trước mặt. Tôi hỏi câu nào, Tiến nắn nót ngồi viết câu trả lời ra giấy, lâu lâu lại dừng lại ngẫm nghĩ rồi cười trừ vì chuyện hơi kỹ càng của mình.

Vài dòng tiểu sử

Nguyễn Vĩnh Tiến sinh năm 1974 tại Sông Thao, Phú Thọ.

Năm 1994: Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC; Giải nhất Nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo.

Năm 1996; Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc  Hà Nội.

Năm 2003 giành học bổng của Bộ Văn hóa Pháp về chuyên đề: Thiết kế đô thị, Di sản và phát triển bền vững.

Năm 2005: Một trong 10 gương mặt tiêu biểu Việt Nam.

Năm 2006: Một trong bốn người xuất hiện trong chương trình Gặp gỡ nhân vật Người đương thời tiêu biểu năm 2006 (kênh VTV1).

Đầu năm 2007: Phát hành album Giọt sương bay lên. Hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc & Thương mại Việt - Pháp (T-group).

Hỏi xong, tôi vội vàng đi ngay. Tiến còn dặn với theo: "Sắp tới anh sẽ viết nhạc, rất đặc biệt đấy!". Nghe, biết vậy chứ tôi không mấy tin sự bốc đồng của những tay làm thơ.

Không ngờ, mấy tháng sau trên Bài hát Việt thấy Ngọc Khuê luyến láy bài Bà tôi của anh. Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ Tiến làm được nhạc.

Năm ngoái, Hội nghị viết văn trẻ tổ chức ở Hội An, tôi lại có dịp chứng kiến Tiến làm MC. So với "bạn diễn" Phan Huyền Thư, Tiến nói không điêu luyện bằng. Nhưng khán giả lại tỏ ra đặc biệt hưng phấn với lối dẫn "chất phác" của anh.

Lúc cao hứng, Tiến hát bài Bà tôi làm tất cả mọi người vỗ tay hưởng ứng. Nhà văn Trần Thị Trường chỉ vào Tiến, đùa: "Bài hát của Tiến khác nào nhịp đọc kinh trên chùa, đấy là bài đưa đám ma". Tiến thật thà "Em viết đưa ma bà ngoại thật".

Sau đó, cứ gặp chuyện "gay cấn" nào, nhà văn Trần Thị Trường lại ngâm nga: Hôm nay, suýt nữa chúng mày đưa bà Trường ra ngoài đồng nhé!

Có lần ngồi tán chuyện, Tiến bảo muốn làm một vở nhạc kịch toàn lời thơ và âm nhạc dân gian. Tôi trố mắt: "Nguyễn Vĩnh Tiến cũng... máu lửa nhỉ". Tiến cười có vẻ thú vị với nhận xét ấy.

Mới đây, trong đêm trình diễn thơ do Hội đồng Anh tổ chức, Tiến lại một lần làm bạn bè sửng sốt khi vào vai kịch sĩ quá ngọt. Hãy tưởng tượng Tiến dang tay, "hát" thơ trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng mõ lốc cốc... Hiệu quả ép-phê không thua những màn gây sốc của Đào Anh Khánh.

Thế nhưng, chỉ ít phút sau gặp Tiến phía dưới sân khấu: com-plê, cà-vạt chỉnh tề, miệng cười tươi, điệu bộ lúc nào cũng hiền hiền. Chẳng ai tưởng tượng được Tiến lại có những phút thăng hoa đến vậy.

Lối đi riêng

Tiến làm gì cũng không giống ai. Ngay từ bé đã luôn băn khoăn với những câu hỏi rất "già": Tôi là ai, con đường của mình sẽ như thế nào, điều gì là có ý nghĩa trong cuộc sống?

Tiến mày mò rồi tự đi tìm câu trả lời theo cách của mình. Lúc đúng, lúc sai nhưng chính những thắc mắc có vẻ tầm phào ấy là động lực thúc giục Tiến phải luôn sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Ba mươi tuổi, Tiến đã trở thành "người đương thời" của VTV3. Thành công của Tiến, theo anh là: Không từ chối bất cứ cái gì cuộc sống đem đến cho mình. Thậm chí sự cô đơn cũng phải biến thành một chất liệu sáng tạo.

Tiếp xúc với Tiến, nhiều người không quen dễ có cảm giác về một nhà thơ "bay". Tiến có những suy nghĩ và việc làm táo bạo "như trong sách" vậy.

Bài tốt nghiệp cử nhân kiến trúc của anh có đề tài là một... nhà thương điên. Thực ra, chỉ cần chọn một công trình thông thường, gia công một chút thì dễ được điểm cao. Đằng này Tiến làm như đánh cược với mình.

Trong bản thuyết trình, anh cho rằng nếu bệnh viện tâm thần được thiết kế hợp lý thì kiến trúc sẽ có tác dụng chữa bệnh không kém gì... vật lý trị liệu. Ý tưởng này Tiến vớ được trong một quyển sách và anh đã không cách nào loại nó ra khỏi đầu.

Cái bệnh viện mà Tiến thiết kế sẽ chữa bệnh cho bệnh nhân bằng cây xanh, bằng ánh sáng, bằng những âm thanh, hình khối của nó... Tính ứng dụng của công trình đến đâu chưa biết, vì cho đến nay chưa có bệnh viện nào xây dựng theo ý của Tiến. Nhưng bài tập táo bạo đó chỉ mang về cho Tiến điểm trên trung bình, điều này anh cũng biết từ trước.

Cầm cái bằng trung bình - khá với những cột điểm "phọt phẹt" đi xin việc, ở đâu người ta cũng nhìn Tiến đầy ái ngại. Một kế hoạch "phục hồi danh dự" lại được Tiến đặt ra ráo riết.

Anh lao vào học tiếng Pháp và giành được học bổng Cao học Pháp ngữ (Master Francophone) trong thời gian một năm. Tò tò theo Tiến hỏi kinh nghiệm Tiến nói đúng một câu: "Anh cần gì, học nấy, không hơn". Thảo nào, nói trong phạm vi kiến trúc thì Tiến "Ok", còn lan man "trữ tình ngoài lề", Tiến toàn đánh trống lảng.

Ngơ ngác

Tiến làm thơ từ hồi hỉ mũi chưa sạch. Nhưng anh cứ băn khoăn không thấy ai gọi đúng tên thơ mình. Cho đến khi một nhà văn đàn anh túm lấy những con chữ của Tiến và đặt cho nó cái tên "Ngơ ngác", Tiến mới tâm phục khẩu phục.

Ngoài đời, ai trông bộ dạng của Tiến, bảo anh lơ ngơ là Tiến phản ứng ngay: "Ngơ ngác chứ, lơ ngơ sao làm được giám đốc?". Nguyễn Vĩnh Tiến bây giờ là giám đốc một công ty kiến trúc, dưới quyền anh có hàng chục nhân viên. Trông anh thỉnh thoảng đi lại, nói năng cũng oai như ai.

Trong văn phòng của Tiến, bên cạnh hồ sơ công trình, biên bản họp, hợp đồng kinh tế... là cả chồng bản thảo mấy tập hợp thơ và nhạc. Có khi Tiến đang nói chuyện âm nhạc rôm rả với Phan Cường thì cô thư ký vào xin chữ ký, để đi lĩnh tiền ngân hàng.

Cô dặn kèm: "Anh nhớ ký có chữ "e"". Thế là gần như ngay lập tức, mặt Tiến trở lại nghiêm trọng. Anh bặm môi nắn nót cho giống chữ ký tự trót đăng ký ở ngân hàng.

Tiến kín như bưng, nhất là trong chuyện tình và tiền

Chữ ký không đạt, thư ký yêu cầu viết lại, Tiến càm ràm: "Vớ vẩn quá, làm sao ký chữ nào cũng giống chữ nào". Thói quen sáng tạo của Tiến ở đây có vẻ không được ủng hộ thì phải.

Tiến là một doanh nhân nhưng luôn làm việc theo kiểu nghệ sĩ. Lúc hứng lên thì làm rất nhanh, còn đã bí thì nhất quyết không động bút.

Tính Tiến hay quên, vì vậy anh đã trang bị một chiếc điện thoại tối tân, phòng khi có ý tưởng nào bất chợt nảy ra là dùng điện thoại ghi lại liền. Có khi đang đi trên đường, nảy ra một điệp khúc nào đó là vội vàng dừng xe và dùng điện thoại ký âm ngay. Nhiều ca khúc của Tiến ra đời nhờ vào những lần ký âm bất chợt ấy.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, Nguyễn Vĩnh Tiến thường tạo cho người khác cảm giác anh loại người "ruột để ngoài da". Vì chuyện gì cũng cười hì hì được.

Thực ra, Tiến kín như bưng, nhất là tiền và tình. Bốn, năm cô con gái nhao nhao lên, anh được thưởng bao nhiêu tiền trong chương trình Bài hát Việt, Tiến cũng không nao núng, chỉ nói đi nói lại: "Đủ để chiêu đãi cả nhà một chuyến nghỉ mát".

Hay đám phóng viên hỏi anh về "những phút xao lòng", Tiến chỉ một mực loanh quanh lấy vợ làm bình phong, cấm hé ra một thông tin "có hại" nào.

Nhiều người biết Tiến "khôn vặt" nhưng vẫn quý, vì anh là người biết làm việc. Tiến không tuyên ngôn nhiều, nói chuyện còn có vẻ khô khan và thiếu thông tin nhưng đã làm là ra tấm ra món. Những cú bất ngờ của Tiến, do vậy có lẽ vẫn còn khiến nhiều người "đau tim".

Theo Hạnh Đỗ
Thế Giới Văn Hóa

MỚI - NÓNG