“Tôi thương cho ai là bạn gái bố tôi”
Ông không nói chuyện được nhiều, nên con gái đầu, chị Nguyễn Thị Thu Hương đỡ lời. Hương kể chiều 30/12/2017 trên đường về quê thì nghe tin bố bị tai biến, nói không ra tiếng, phải nhờ hàng xóm gọi điện. Hương đến thẳng bệnh viện Vinh ở bên bố liền 4 ngày rồi đưa ra Bạch Mai. Trong quá trình nằm ở cả hai bệnh viện, bên cạnh sự cứu chữa tận tình của y bác sĩ, nhà thơ - nhạc sĩ còn nhận được sự quan tâm thăm hỏi của cả hai Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ và Vũ Ðức Ðam cùng các lãnh đạo địa phương. Bạn bè ông vào thăm rất nhiều nên Hương còn có nhiệm vụ hạn chế mọi người, giữ sức khỏe cho bố.
Nguyễn Trọng Tạo kể, khoảng 20 ngày tỉnh dậy sau cơn mê, thấy mình không cử động nói năng gì được, ông chỉ muốn chết: “Chưa kịp nghĩ cách gì chết đã lại mê man rồi”. Khi huyết áp ổn định, đến giai đoạn phục hồi chức năng ông lại tỏ ra bất hợp tác. “Họ cứ sang sờ sờ nắn nắn chút thì ông đuổi họ về”, Hương kể. Ông được chuyển sang bệnh viện y học cổ truyền quân đội để châm cứu. Khi chuyển viện vẫn phải nằm cáng. Chục ngày sau, khi nói năng rõ ràng hơn, ông đòi về nhà. Con gái mua cho chiếc xe lăn, nhưng ông chỉ dùng nó khoảng 4 ngày rồi chuyển sang gậy. Ba hôm sau, tỉnh dậy không thấy gậy đâu, đi tìm thì nhận ra mình vừa đi không cần gậy. Từ đó quẳng gậy luôn. Mấy ngày đầu, con gái đi cùng bố vẫn cầm gậy theo để phòng hờ.
Nguyễn Trọng Tạo sau bạo bệnh.
Hương công tác trong ngành ngân hàng là con vợ cả (bác sĩ, cùng quê với chồng) của Nguyễn Trọng Tạo. Con trai thứ hai của ông là tiến sĩ về kiến trúc, còn con gái út cũng đang học tiến sĩ tại Ý. Ông có thời gian 15 năm hôn nhân ở Huế, có thêm 2 con nữa. Xác định “bạn của bố cũng là bạn của mình” nên Hương nhiều lần đứng ra làm trung gian hòa giải giữa bố và dì hay “bạn gái”. Hương khẳng định: “Có ai gắn bó yêu thương là may mắn cho ông, nhưng đến thời điểm hiện nay tôi chưa thấy ai cả. Nếu ông có bạn gái của ông thì thực sự tôi thấy… thương cho họ. Ông sống rất tình cảm nhưng có một chút gia trưởng. Bạn ông mà kể hay bị ông mắng thì tôi bảo, thế sắp là người thân rồi đấy!”.
Từ khi biết nhận thức đã không có sự hiện diện của bố trong nhà nên Hương đã quen mà không hụt hẫng gì. Cô có 6 năm sống với bố khi ra Hà Nội học. Hai bố con khá hợp nhau. Bố tư vấn cho con gái nhiều thứ trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Ông thường đùa: “Con làm kinh tế dù có không giỏi đi nữa thì cũng đã hơn bố (làm nghệ thuật) rồi!”. Những khi hai bố con không nói chuyện được với nhau, họ lại mở nhạc cùng nhau nghe cả đêm.
Hiện Nguyễn Trọng Tạo và gia đình nhỏ của con gái sống trong hai tòa chung cư có hành lang với mái che thông nhau tại Linh Ðàm. Ðể mua các căn hộ tại đây, ông phải xin chủ đầu tư giảm giá. Ba căn, vị chi là nhà thơ cũng được “cho” hơn 500 triệu. “Tôi không xin ai cái gì, trừ cái nhà,” tác giả Khúc hát sông quê nói. “Doanh nghiệp người ta toàn tự động cho, mà có khi tôi chả phải làm gì (cho họ)”.
Khỏe để… uống rượu(!)
Ðây là lần thứ hai Nguyễn Trọng Tạo bị tai biến. Lần đầu nhẹ hơn xảy ra tại nhà sàn của ông ở Gia Lâm, Hà Nội đầu năm 2015, ngay sau khi ông hoàn tất trường ca Biển mặn. Trường ca này sau khi in 4.000 bản, ông tặng binh chủng Hải quân 2.000. Năm ngoái ông kể về vụ tai biến đầu tiên: “Viết xong vừa đóng laptop lại thấy nhà sàn quay, bàn ghế quay hết. Mình phải nhắm mắt lại, hai tay chống đầu gối khoảng 5 phút. Mở mắt ra thấy không quay gì nữa. Gọi cho bác sĩ quen chạy sang, chở thêm bác sĩ nữa, đo huyết áp, cho uống mấy viên thuốc. Hôm đấy trời nắng bốn mấy độ”. Kỳ lạ là ngay sau đó bác sĩ rủ ra Triệu Việt Vương nhậu, ông vẫn uống được rượu sa-kê và tuần sau uống rượu mạnh bình thường. Mất hai tuần uống thuốc bác sĩ cho.
Tự bạch mới nhất của Nguyễn Trọng Tạo về tình trạng sức khỏe bản thân: “Cuộc chống lại bạo bệnh rất vất vả. Bảy tháng trở về cuộc sống như tôi là trường hợp rất hiếm có. Ðáng chân phải cà nhắc, tay phải khoèo, nhưng giờ bình thường. Người ngoài nhìn vào không biết ông Tạo đau gì. Chỉ tôi biết cái gì cần phải chữa thôi. Phải qua một chặng nữa. Hy vọng hết năm nay sẽ bình thường. Ðể một đêm nhạc này và có thể nhiều đêm nhạc khác xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Tôi tin tôi sẽ trở về bình thường với tất cả các bạn. Uống thật nhiều, ngày khoảng 4 chai chẳng hạn. Giờ thì chưa”.
Ðộ 4 tháng sau tai biến lần hai, Nguyễn Trọng Tạo đi một vệt Nha Trang, Ðà Lạt, Vũng Tàu, TPHCM, Huế… Dứt khoát đi một mình, ông nói với con cháu: “Chúng mày đi tốn tiền. Hơn nữa tao muốn đi đâu làm gì chúng mày hay can ngăn…”. Một đại gia về địa ốc có khách sạn rải khắp nơi cho ông bạn quý ăn ở miễn phí. Ðại gia này có bài thơ từng được ông phổ nhạc. Nhưng ông toàn được bạn bè đón về nhà chăm. Và trong những ngày ở nhà bạn, thường là các bà vợ phải ngủ một mình, cho hai ông hàn huyên suốt đêm.
“Cha mẹ cho con tiền, tiêu rồi cũng hết. Kiến thức và cái tiếng ba mẹ để lại cho con cái quý hơn nhiều. Khi làm việc, người ta biết mình là con nhạc sĩ cũng là lợi thế”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương- ái nữ của Nguyễn Trọng Tạo
“Tôi nghĩ anh Tạo bình phục được như thế này quá tốt rồi. Có điều hơi buồn đoạn chia cho nhau một ly say không có nữa. Tôi vẫn whisky, anh ấy giờ sang vang rồi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha