Nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ảnh: Trung Dũng
Anh có thể khái quát nội dung “Xác phàm”?
Đây là cuốn tiểu thuyết đề cập chiến tranh biên giới 1979 nhưng thể hiện với lối viết đặc trưng Nguyễn Đình Tú - luôn huy động yếu tố đương đại. Hình thức câu chuyện từ đầu đến cuối miêu tả một ca phẫu thuật chuyển giới trong khi nội dung lại truyền tải cuộc chiến 35 năm trước. Để làm được điều đó, tôi dùng hình ảnh một linh hồn liệt sĩ thông qua “xác phàm” là Nam - nhân vật chính.
Vấn đề tâm linh, chuyện chiến tranh còn cả chuyển đổi giới tính. Quá ôm đồm trong chưa tới ba trăm trang viết?“Câu chuyện “Xác phàm” đề cập dường như là ẩn ức, không dễ nói ra. Đề tài chiến tranh biên giới thậm chí còn là tâm thế của cả dân tộc. Muốn nói mà không thể nói. Khó giãi bày nhưng phải giãi bày. Trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết nhắc đến tâm thế đó”.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú
Thực ra dày mỏng không quan trọng. Bản chất của tiểu thuyết là khai thác các vấn đề phức tạp của cuộc sống. Càng phức tạp, chất tiểu thuyết càng đậm. Chất “mỏng” hơn tốt nhất nên viết truyện ngắn.
Từ quá khứ đến hiện tại, hòa bình hay chiến tranh đều chung một cách nói chuyện. Dường như anh cố tình tạo ra loạt các nhân vật đồng màu?
Không phải đồng màu mà liên quan đến điểm nhìn trần thuật. Cuốn này tôi chọn một điểm nhìn toàn trị từ nhân vật Nam dù nhân vật rất đa dạng. Đồng nghĩa ngôn ngữ sẽ mang tính nhất quán. Phải đa điểm nhìn thì mới có sự khác biệt. Chẳng hạn như trong Phiên bản, Kín - các tiểu thuyết khác của tôi, câu chuyện được kể theo cách khác.
Người làm văn hóa nghệ thuật đang có xu hướng chọn đề tài nào đó vừa thể hiện lòng yêu nước vừa thu hút công chúng. “Xác phàm” cũng không nằm ngoài trào lưu thời thượng này?
Phải nhìn lại quá trình sáng tác của tôi suốt 20 năm qua. Tôi tương tác khá tốt với bạn đọc đương đại nên không cần thiết phải gây chú ý bởi chiêu trò này nọ. Nhà văn viết vì nhu cầu nội tại đồng thời về vấn đề bạn đọc quan tâm.
Xưa đến nay, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam vắng bóng trên văn đàn. Năm ngoái tôi ra Hoang tâm, viết về biên giới Tây Nam. Năm nay là Xác phàm. Còn về nhu cầu có thể nói tôi đang lao vào một thị trường thấp. Lứa người đi mua sách và đọc sách hiện nay chủ yếu trẻ. Tôi tin đề tài này không “hot” với họ. Đặt ngược vấn đề thì tôi đang mạo hiểm trong việc bán sách nên phải viết làm sao để được quan tâm.
Tập trung quá nhiều vào các vấn đề gai góc lý tính, liệu Nguyễn Đình Tú có “khô” dần đi không?
Không phải viết về chiến tranh, tội phạm mà văn chương trở nên khô khan. Điều này phụ thuộc tạng văn của mỗi người. Tôi mạnh về nhân vật, câu chuyện nhưng không mạnh về văn. Tuy nhiên điều đó cũng không quan trọng. Quan trọng là khi thời gian trôi qua, nhà văn để lại cái gì cho văn học.
Sách bán chạy của các tác giả trẻ hiện nay đâu cần quá cao siêu. Đôi khi chỉ là những dòng tản mạn về chuyện tình tay ba. Anh nghĩ gì về điều này?
Từ xưa đến nay, thị trường vẫn thỉnh thoảng rộ lên vài cuốn sách tạm gọi là “á văn học” kiểu hồi ký, truyện ký, tản văn… Nó động được vào sự quan tâm nhất thời của xã hội. Một loại mốt thời thượng. Theo tôi dòng chảy văn học đúng nghĩa phải là đường đi của tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc biệt là tiểu thuyết.
Quay lại “Xác phàm”, anh tin có vào thế giới tâm linh không? Hay “ma” chỉ là cái cớ con người đưa ra để giải quyết tình thế?
Câu trả lời không nằm ở tôi mà ở đời sống. Trong đời sống, người ta vẫn thừa nhận một thế giới khác bên kia, đằng sau cái chết. Nhà văn khái quát đời sống, huy động cái đời sống đang có để đưa vào tác phẩm. Chung quy nó chỉ là thủ pháp.