Nguyễn Đình Tú và Hoang tâm

Nguyễn Đình Tú và Hoang tâm
TP - Liệu một người không tham gia một cuộc chiến, chỉ nghe kể lại, có thể dựng lại cuộc chiến tranh với tất cả chiều kích của nó không? Nhiều người trẻ đang viết về chiến tranh bằng kiến thức sách vở cũng như vốn giao tiếp, vượt lên tầm nhìn cũ. Nguyễn Đình Tú với Hoang tâm là trường hợp như thế.

> Phương tiện càng nhiều, đọc sách càng ít
> Hôm nay 'đọc sách cho ngày mai'

Câu chuyện của Hoang tâm là câu chuyện của Anh - nhân vật trung tâm, trở về sau cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và trên đất nước Campuchia láng giềng.

Anh không là thương binh cũng chẳng là bệnh binh để được hưởng các chính sách ưu đãi. Anh trở lại bục giảng, lấy vợ sinh con rồi sau khi chấm một loạt bài làm văn lạ lẫm của học sinh, Anh trở... bệnh mất ngủ và yếu... đàn ông.

Thuốc thang chẳng hiệu quả, thầy cúng khuyên Anh đến vùng Nguyên Thủy, vào khu du lịch Cửa Núi để trị bệnh. Ở ga Nguyên Thủy, Anh gặp cô gái điếm mà anh gọi là Son Phấn và câu chuyện bắt đầu.

Son Phấn đưa anh bước vào thế giới của một thời đã mất xa xưa, của hoang đường người Mã, người Khi và người Mụ. Lạc vào thế giới ấy, Anh dần tìm lại được chính anh- con người bình thường với những ham muốn bình thường, điều mà Anh đã đánh mất sau mười năm sống trong đời thường.

Hoang tâm đề cập vấn đề lâu nay ít ai đề cập, đó là chấn thương tâm lý của những người lính sau thời gian tham gia chiến trận. Trải qua những năm tháng chiến chinh sau hòa bình 1975, Anh chứng kiến tội ác, sự phản bội, tình yêu, nỗi thù hận, là cái chết và sự hồi sinh, tất cả như dồn nén, nêm chặt làm Anh khôn nguôi suy tưởng.

Có thể nói, trong Hoang tâm, ngoài những suy luận có vẻ không hợp thời về người lính chế độ cũ, thì Nguyễn Đình Tú đã dám đụng chạm đến những vấn đề của đời sống sau chiến tranh trong hòa bình bằng một thủ pháp đan xen vi diệu.

Cuộc chiến tranh trong nhiều chiều cạnh của nó được kể bằng sự hồi tưởng phần nào bớt đi sự ác liệt vốn có, tuy thế vẫn đọng lại trong người đọc ánh mắt của người đàn bà đen đúa đang ẵm con mà Anh đã gặp mấy lần trong thị trấn trên đất K vừa được giải phóng với những cái chết bất ngờ của đồng đội và bạn bè. Có cái gì trong ánh nhìn không thiện cảm ấy?

Trong Hoang tâm người đọc sẽ dần nhận ra nhiều thứ cần suy nghiệm. Về cuộc sống, cái chết, về bi và hài, về giáo dục, về tình nghĩa, và về nhiều thứ khác nữa.

Nhưng cái đọng lại lớn nhất trong tôi chính là một góc nhìn khác về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và những hệ quả của nó trên những cựu binh từng tham gia cuộc chiến đó. Và đấy là điều mà Hoang tâm đã đạt được một cách thật bình thường, không màu mè, uốn éo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG